Ngày 9-5, tại hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nội dung lập hồ sơ điện tử và tổng kết, xin ý kiến đề nghị xây dựng nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP đối với các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đỗ Văn Thuận cho biết, trung bình văn bản đến 1 năm đối với các bộ, ngành là 38.827 văn bản; UBND cấp tỉnh là 37.036 văn bản; cấp huyện là 12.422 văn bản; cấp xã là 6.970 văn bản. Tại các tỉnh, văn bản đến giấy chiếm khoảng 40%, văn bản đến điện tử chiếm khoảng 30%, văn bản đến điện tử kèm giấy chiếm khoảng 30%.
Trung bình mỗi một năm các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ban hành 15.146 văn bản; UBND cấp tỉnh là 19.955 văn bản, cấp huyện là 10.405 văn bản, cấp xã là 8.703 văn bản. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị định số 110/2004/NĐ-CP tồn tại khó khăn, bất cập xuất phát từ các yêu cầu thực tế phát sinh trong công tác văn thư tại các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Phó Cục trưởng Đỗ Văn Thuận, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy định của pháp luật về công tác văn thư, trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính, cụ thể là tham mưu để trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP. Ngoài ra, cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong công tác văn thư. Hội nghị đã nhận được những ý kiến đóng góp xác đáng của đại diện các bộ, ngành và địa phương dựa trên tình hình thực tiễn đặc thù của từng đơn vị nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác văn thư trong thời gian đến.
TRỌNG HUY