Việc đầu tư nâng cấp khu xử lý chất thải (bãi rác) Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh thái là bức thiết, để vừa bảo đảm xử lý chất thải của thành phố trong tương lai gần, vừa xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường và di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi ở mới trong lành.
TS. KTS Tô Văn Hùng (ảnh), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng.
* Thưa ông, trong thời gian qua, các đơn vị chức năng đã thực hiện rất nhiều giải pháp khắc phục, nhưng vì sao người dân vẫn bức xúc với tình trạng ô nhiễm môi trường của bãi rác Khánh Sơn?
- Bãi rác Khánh Sơn hiện đang vận hành là công trình xử lý chất thải rắn đô thị với công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, được đưa vào khai thác từ năm 2007. Khối lượng rác sau hơn 10 năm vận hành đã lên đến hơn 3,2 triệu m3 rác.
Trong suốt thời gian khai thác, bãi rác Khánh Sơn là một trong những điểm ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, gây bức xúc cho người dân. Mặc dù chính quyền thành phố và Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp kiềm chế, nhưng vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn của một bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, có một số điều kiện khác vẫn chưa bảo đảm, như: khoảng cách ly vệ sinh giữa bãi rác và khu vực dân cư, việc thu gom xử lý nước rỉ rác…
Đặc biệt, mâu thuẫn nội tại là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm, đó chính là việc cho người lao động vào nhặt rác, hoạt động thu mua phế liệu diễn ra ngay trên bãi chôn lấp. Việc thực hiện chôn lấp rác không thể thực hiện bảo đảm đúng quy trình, quy chuẩn vì phải tạo điều kiện cho người lao động thu nhặt các loại phế liệu, đã tạo ra một khoảng hở rất lớn phần rác tươi; ngay cả việc phun chế phẩm, lấp đất ngay sau khi đổ rác cũng không được thực hiện bảo đảm, làm mùi hôi phát tán. Tình trạng chôn lấp rác từ các nhà hàng hải sản chung với rác sinh hoạt, gây phản ứng của chính người nhặt rác…
* Với những tồn tại, bất cập nói trên, người dân ở khu vực Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và dư luận càng thắc mắc là tại sao không đóng cửa bãi rác như dự kiến trước đây mà tiếp tục đầu tư nâng cấp thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh thái?
- Trước đây, thành phố cũng đã tính đến việc đóng cửa bãi rác Khánh Sơn sau khi có Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang để thay thế. Tuy nhiên, việc triển khai dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn gặp quá nhiều vướng mắc, bất cập. Trong đó, chủ trương kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ hiện đại được thành phố triển khai từ năm 2017 thông qua tư vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), nhưng đến nay, vẫn chưa thể tìm được nhà đầu tư do vướng các quy định của luật hiện hành và ADB đã xác nhận là hình thức đầu tư PPP là không khả thi.
Bên cạnh đó, chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn gặp nhiều trở ngại như: địa hình phức tạp, giao thông kết nối không bảo đảm, nguy cơ tác động đến nguồn nước sinh hoạt của thành phố… Do đó, trong điều kiện hiện nay, chưa thể triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có thể xây dựng nhà máy xử lý rác có công nghệ hiện đại tại xã Hòa Nhơn.
UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty CP Môi trường Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn. TRONG ẢNH: Phối cảnh dự án Nhà máy đốt rác phát điện Khánh Sơn. |
Đặc biệt, qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, cho dù có đóng cửa bãi rác Khánh Sơn với những điều kiện hiện tại thì cũng không thể xóa đi điểm ô nhiễm, mà còn làm kéo dài tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Việc triển khai dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn còn có nhiều ưu điểm như: triển khai thực hiện nhanh hơn do sử dụng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tuyến đường vận chuyển sẵn có; khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi rác.
Với tất cả những vần đề, điều kiện nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành đã kiến nghị với lãnh đạo thành phố và đã thống nhất, cho phép triển khai một giải pháp mang tính tổng thể và căn cơ, vừa đáp ứng kịp thời việc xử lý rác thải cũng như khắc phục các tồn tại kéo dài thời gian qua của bãi rác Khánh Sơn, đó là đầu tư nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh thái.
Đồng thời, thành phố xây dựng đề án chuyển đổi ngành nghề cho các lao động sống bằng nghề nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn hiện nay và giải tỏa, đền bù cho các hộ dân nằm trong khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường giữa Khu liên hợp xử lý chất thải với khu dân cư theo đúng quy định hiện hành (500m).
Thành phố triển khai phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn thành phố; đầu tư các trạm trung chuyển rác có công nghệ xử lý hiện đại; đưa dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tại xã Hòa Nhơn vào quy hoạch dự phòng, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng các hạng mục xử lý chất thải đô thị cho giai đoạn sau năm 2030.gặp nhiều trở ngại như: địa hình phức tạp, giao thông kết nối không bảo đảm, nguy cơ tác động đến nguồn nước sinh hoạt của thành phố… Do đó, trong điều kiện hiện nay, chưa thể triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có thể xây dựng nhà máy xử lý rác có công nghệ hiện đại tại xã Hòa Nhơn.
Đặc biệt, qua nghiên cứu, chúng tôi cho rằng, cho dù có đóng cửa bãi rác Khánh Sơn với những điều kiện hiện tại thì cũng không thể xóa đi điểm ô nhiễm, mà còn làm kéo dài tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Việc triển khai dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn còn có nhiều ưu điểm như: triển khai thực hiện nhanh hơn do sử dụng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tuyến đường vận chuyển sẵn có; khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi rác.
* Ông có thể cho biết những hạng mục, công trình đầu tư nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh thái?
- Bên cạnh thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vận hành chôn lấp rác tại bãi rác Khánh Sơn do Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành, thành phố sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng của bãi rác Khánh Sơn với nhiều hạng mục, công trình.
Theo đó, đầu tư hệ thống mương thu gom nước rỉ rác bảo đảm khép kín, đồng bộ với việc đầu tư Trạm xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 với công suất 1.050m3/ngày; đầu tư xây dựng thêm hộc chôn lấp rác số 6 và hộc rác số 7 (thêm hơn 10ha đất) nhằm giảm cao trình rác chôn lấp hiện nay, để giảm thiểu khả năng phát tán mùi từ rác tươi. Triển khai phủ bạt toàn bộ phần bãi rác, chỉ để khoảng hở 2.000m2 để đổ rác.
Bãi rác Khánh Sơn đang được đầu tư, xây dựng thành Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh thái. |
Thành phố cũng đã thống nhất, cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam nâng cấp công nghệ của nhà máy xử lý rác hiện có theo công nghệ tiên tiến (đốt rác phát điện) với công suất đốt rác 650 tấn/ngày. Hiện công ty đang triển khai các bước đầu tư, xây dựng dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2021.
Một chủ trương quan trọng khác cũng đã được UBND thành phố thống nhất, đó là đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại khu vực còn lại của bãi rác Khánh Sơn để kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt với công suất đốt rác 1.000 tấn rác/ngày, một lò đốt rác y tế và công nghiệp, một hệ thống xử lý phân bùn bể phốt bảo đảm tiêu chuẩn...
Với tất cả các giải pháp nói trên và triển khai đồng bộ, thành phố sẽ không phải đối diện với cuộc khủng hoảng về rác cũng như giải quyết tình trạng ô nhiễm của bãi rác Khánh Sơn một cách căn cơ nhất.
* Xin cảm ơn ông!
* Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Điện rác là tốt, nhưng cần phân loại rác Điện rác (đốt rác phát điện) là một cách thức xử lý rác được xem là hiện đại nhất hiện nay trên thế giới. Việc Đà Nẵng tiếp cận, sử dụng công nghệ điện rác tiên tiến của một công ty có nhiều dự án ở nước ngoài là rất tốt. Tuy nhiên, để vận hành tốt nhà máy điện rác thì cần có một số điều kiện nhất định, đặc biệt là việc phân loại rác thải. Ở các nước tiên tiến, do làm tốt việc phân loại rác từ nhà dân nên điện rác vận hành rất tốt và mang lại hiệu quả sinh lợi lớn. Nước ta chưa phân loại rác tốt nên hiệu quả kinh tế điện rác không cao bằng ở các nước phát triển. Rác thải phải phân loại từ nhà dân vì phân loại rác tại nhà máy thì rất cồng kềnh và không triệt để. Vì thế, Đà Nẵng cần phải triển khai việc phân loại rác từ nhà dân để phục vụ tốt cho việc vận hành nhà máy điện rác. * Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam: Nhà máy điện rác có khí thải tiêu chuẩn châu Âu Nhà máy điện rác tại bãi rác Khánh Sơn được chúng tôi dự kiến đầu tư khoảng 80 triệu USD với công suất xử lý rác là 650 tấn/ngày bằng công nghệ xử lý của Công ty Everbright International (Hồng Kông) có kinh nghiệm đầu tư hơn 100 nhà máy điện rác ở các nước trên thế giới, tiêu chuẩn khí thải châu Âu. Công nghệ này đã được đầu tư tại thành phố Cần Thơ. Vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố cùng các sở, ngành và quận Liên Chiểu đã vào tham quan nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ và có ý kiến đánh giá tốt về mặt công nghệ cũng như môi trường nên UBND thành phố đã có văn bản thống nhất cho chúng tôi được đổi mới công nghệ xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Khánh Sơn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức cho đại diện các hộ dân ở khu vực Khánh Sơn vào tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. Hiện nay, Công ty CP Môi trường Việt Nam đang cùng với Công ty Everbright International lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án đầu tư Nhà máy đốt rác phát điện tại Khánh Sơn và tích cực triển khai các thủ tục nhằm sớm khởi công dự án. * Ông Phạm Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng: Khắc phục ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn Trong thời gian qua, để khắc phục ô nhiễm môi trường ở bãi rác Khánh Sơn, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã tăng cường phun chế phẩm khử mùi từ 4 lần/ngày lên thành 6 lần/ngày; chỉ để diện tích khu vực đổ rác dưới 2.000m2; đổ rác ở khu vực phía tây, giáp núi để giảm mùi hôi phát tán xuống khu dân cư và trồng thêm cây xanh; phủ đất, không để hở khu vực không đổ rác; phủ thêm bạt HDPE với diện tích 12.000m2; quy hoạch vùng đổ chất thải công nghiệp không nguy hại riêng và phủ đất trong ngày; sửa chữa, cải tạo hệ thống xử lý khí thải 2 lò đốt chất thải nguy hại… Việc đầu tư thay đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt rác phát điện sẽ giảm nhiều ô nhiễm môi trường so với chôn lấp. Đồng thời, cũng là điều kiện thuận lợi để khắc phục được các tồn tại và cải thiện ô nhiễm môi trường ở khu vực chôn lấp rác. NAM TRÂN (ghi) |
Vào ngày 16-5-2019, UBND thành phố có Thông báo số 191/TB-VP thống nhất về nguyên tắc cho Công ty CP Môi trường Việt Nam được đổi mới công nghệ xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Khánh Sơn. Đồng thời, cho phép công ty được liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án (nhà máy đốt rác phát điện). Việc liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trước đó, vào ngày 22-4-2019, UBND thành phố có Thông báo số 157/TB-VP thống nhất định hướng triển khai nâng cấp, cải tạo khu vực bãi rác Khánh Sơn bảo đảm các tiêu chuẩn về xử lý chất thải hiện đại và khôi phục môi trường sạch tại khu vực. Theo đó, đầu tư các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến (đốt rác phát điện); nâng cấp, cải tạo các hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn hiện hữu; quy hoạch lại khu vực bãi rác Khánh Sơn, nghiên cứu đền bù giải tỏa các hộ dân không bảo đảm khoảng cách an toàn với bãi rác; đưa dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Nhơn vào quy hoạch dự phòng tương lai |
HOÀNG HIỆP thực hiện