Đẩy mạnh xã hội hóa phương tiện tránh thai

.

Thời gian qua, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố luôn chú trọng việc bảo đảm cung cấp dịch vụ KHHGĐ, đẩy mạnh tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai (PTTT), qua đó từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ.

Tư vấn và cung cấp dịch vụ các biện pháp tránh thai tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.
Tư vấn và cung cấp dịch vụ các biện pháp tránh thai tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà.

Từ năm 2015, Đà Nẵng triển khai đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt là Đề án 818). Các dịch vụ này chỉ bao cấp cho đối tượng nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc diện chính sách, đối tượng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa... Chính vì vậy, ngành dân số các cấp phải tích cực vận động tuyên truyền nhằm thu hút đông đảo phụ nữ tham gia.

Là người trực tiếp tư vấn, vận động chị em phụ nữ trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ, chị Nguyễn Thúy Hồng Mỹ Lệ Dung, cộng tác viên dân số phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) chia sẻ: “Tư tưởng người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước. Vì vậy, việc thay đổi nhận thức từ được cấp phát PTTT miễn phí sang mua bán không dễ dàng. Một ca cấy tránh thai trên 2 triệu đồng, ca đặt vòng gần 300.000 đồng, không phải là mức phí các chị em dễ dàng tham gia. Vì vậy, những cộng tác viên dân số chúng tôi phải kiên trì tuyên truyền, tư vấn sử dụng các PTTT phù hợp với từng đối tượng, thậm chí còn phải bỏ tiền túi để hỗ trợ họ”.

Vì những khó khăn này, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động các đối tượng và sớm tìm được giải pháp khắc phục để nâng tỷ lệ người thực hiện các PTTT và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Ngay từ đầu năm, Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng truyền thông, bán hàng cho đội ngũ cán bộ công tác viên trực tiếp tham gia cung cấp, phân phối về các PTTT, hàng hóa SKSS của các quận, huyện; tổ chức các buổi truyền thông, giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao kỹ năng cung ứng tiếp thị xã hội và xã hội hóa PTTT, hàng hóa dịch vụ và các hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Trung tâm đã nhận thêm sản phẩm xã hội hóa PTTT và hàng hóa tiếp thị xã hội từ Ban quản lý Đề án 818, sau đó triển khai và phân phối theo cơ chế xã hội hóa cho 7 Trung tâm Y tế quận, huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ DS-KHHGĐ đã phân phối và tiêu thụ hàng trăm ngàn bao cao su, phương tiện tránh thai trong cộng đồng.

Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã phối hợp với Tổ chức Marie Stopes International tổ chức tổ chức 2 lớp đào tạo “Cập nhật cấp cứu cơ bản, dụng cụ tử cung và kiểm soát nhiễm khuẩn”; 1 lớp “Giám sát bảo đảm chất lượng, chương trình PSS” cho học viên là bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh thuộc các Trung tâm Y tế quận, huyện và Trạm Y tế phường, xã.

Qua công tác truyền thông tư vấn cộng đồng, tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm, các phương tiện thông tin đại chúng đã giúp cho phần lớn cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nắm được các PTTT hiện đại và chấp nhận áp dụng cho mình. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã đạt được những kết quả khả quan, thuốc cấy tránh thai đạt 88.9% (391/440), viên uống tránh thai đạt 128,9% (9.449/7.330), bao cao su đạt 122,9% (30.634/24.920)...

Bài và ảnh: THU MINH

;
;
.
.
.
.
.