Lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ: Chạy đua với thời gian

.

Theo Ban chỉ đạo 24 huyện Hòa Vang, công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cần tiến hành càng sớm càng tốt, bởi hiện trạng nơi chôn cất liệt sĩ đã thay đổi, trong khi đó nhân chứng ngày một già cả ốm đau và qua đời...

Ông Nguyễn Xuân Bạn, thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến bên mộ anh trai là liệt sĩ Nguyễn Xuân Tình được gia đình chuyển từ Nghĩa trang gia tộc ra Nghĩa trang liệt sĩ xã.
Ông Nguyễn Xuân Bạn, thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến bên mộ anh trai là liệt sĩ Nguyễn Xuân Tình được gia đình chuyển từ Nghĩa trang gia tộc ra Nghĩa trang liệt sĩ xã.

Theo báo cáo tổng kết công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của Ban chỉ đạo 24 huyện Hòa Vang, hiện trên địa bàn huyện có 5.081 mộ liệt sĩ. Trong đó, chỉ có 2.302 mộ có đầy đủ thông tin (trong số này có 2.011 mộ thuộc địa phương và 291 mộ ngoài địa phương), còn lại có 389 mộ có một phần thông tin, 1.605 mộ chưa xác định thông tin, 785 mộ vong (mộ không có hài cốt), 890 mộ liệt sĩ nằm ở nghĩa trang gia tộc.

Với địa bàn rộng đến 736,91km2, Hòa Vang là địa bàn chiến đấu ác liệt trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nơi đây là chiến trường chính của các đơn vị như Trung đoàn 31 (Đại đội 25 đặc công), Trung đoàn 141 (Sư đoàn 2), Sư đoàn 324 (Mặt trận 4), Trung đoàn pháo binh 575, lực lượng vũ trang của huyện cùng nhiều đơn vị phối hợp... Vì vậy, công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hay thu thập thông tin liệt sĩ rất khó khăn. Đặc biệt, việc thực hiện công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để số hóa toàn bộ thông tin nhằm bảo đảm công tác quản lý, tìm kiếm thuận lợi còn rất nhiều việc phải làm.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, cán bộ lao động-thương binh-xã hội xã Hòa Khương, công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tốn rất nhiều công sức và đòi hỏi sự chung tay của các cơ quan chức năng, người dân và đặc biệt là những người từng sống, chiến đấu trên mảnh đất Hòa Vang. Như xã Hòa Khương hiện có 772 mộ liệt sĩ, tuy nhiên có hơn 100 mộ nằm ở nghĩa trang gia tộc và cũng chừng đó mộ thuộc diện mộ chưa xác định được thông tin, hoặc có thông tin nhưng không có hài cốt. Vì vậy, thời gian qua, mặc dù xã đã triển khai quyết liệt công tác tìm kiếm, quy tập, quy chuẩn hồ sơ liệt sĩ, thế nhưng kết quả thu được rất chậm, do thiếu thông tin. Hiện xã ưu tiên việc xuống từng khu dân cư, đến từng nhân chứng sống để thu thập thông tin, nhưng muốn có kết quả vẫn cần có thời gian.

Ông Đặng Công Tương, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Hòa Phong cũng cho biết, công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên địa bàn hiện rất khó khăn do thiếu thông tin. Trước mắt, xã sẽ ưu tiên tìm thông tin về mộ liệt sĩ ở tại nghĩa trang các gia tộc, sau đó mới làm rộng ra.

Trực tiếp quản lý hồ sơ liệt sĩ trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ lao động-thương binh-xã hội xã Hòa Tiến cho biết: hiện trên địa bàn xã có tổng cộng 1.167 liệt sĩ, trong đó có 1.067 liệt sĩ có mộ chí tại Nghĩa trang liệt sĩ xã, trong đó chỉ có hơn 700 mộ là có đầy đủ thông tin, còn lại là thuộc diện mộ chưa xác định thông tin, mộ tưởng niệm, mộ không có hài cốt...

“Trong khi yêu cầu của công tác lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ phải chặt chẽ và đầy đủ thông tin như vị trí chôn (chôn tạm liệt sĩ lúc hy sinh) cho đến sơ đồ mộ liệt sĩ trong nghĩa trang hoặc sơ đồ mộ liệt sĩ trong gia tộc...  Thế nhưng, trong hồ sơ chúng tôi đang quản lý, nhiều hồ sơ liệt sĩ ghi rất chung chung theo kiểu “đi B”… và nơi hy sinh thì ghi “chiến trường miền Nam”...”, ông Tuấn cho biết.

Theo ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, Trưởng Ban chỉ đạo 24 của huyện, bên cạnh yếu tố khách quan là địa bàn huyện Hòa Vang rộng, địa hình phức tạp, phải thừa nhận một nguyên nhân nữa là thời gian qua, công tác lưu trữ hồ sơ chưa khoa học, lực lượng cán bộ lao động-thương binh-xã hội nhiều biến động... dẫn đến việc thu thập thông tin còn nhiều hạn chế.

“Tuy nhiên, xác định công tác quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mà còn là đạo lý của dân tộc đối với các anh hùng, liệt sĩ đã đổ xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, huyện sẽ ưu tiên dành công sức, nhân lực để làm thật tốt công tác này, thậm chí phải chạy đua với thời gian, bởi lẽ nhân chứng cung cấp thông tin ngày càng ít đi”,  ông Dũng khẳng định.

Chiến tranh đã lùi xa, song thân nhân các liệt sĩ hiện chưa tìm được hài cốt, chưa có được thông tin vẫn khắc khoải, đợi chờ. Rất nhiều người ông, bà, cha, mẹ liệt sĩ đã mất mà chưa thỏa được ước nguyện... Vì vậy, huyện Hòa Vang nói riêng cũng như thành phố Đà Nẵng nói chung đang khẩn trương hơn, quyết liệt hơn trong công việc đầy nghĩa tình, đạo lý này.

Bài và ảnh: THANH SƠN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.