Theo báo cáo tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 17, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm ước tăng 6,21% so với cùng kỳ 2018. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước có nhiều khởi sắc với 2.319 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 542 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, thành phố cấp mới 68 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 363,9 triệu USD (tăng 10 dự án, tăng 338,3 triệu USD vốn đăng ký mới so cùng kỳ 2018).
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 14.722 tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán (tăng 9,7% so cùng kỳ). Các công trình trọng điểm được chỉ đạo quyết liệt; giải ngân vốn xây dựng cơ bản đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm trước; khởi công, khánh thành nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng. Lĩnh vực văn hóa-xã hội, xây dựng đô thị văn minh và nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, tội phạm về trật tự xã hội được kiểm soát và kéo giảm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu có dấu hiệu suy giảm và đạt khá thấp so với kế hoạch, trong đó tăng trưởng GRDP đạt 6,21%, thấp hơn mức tăng 7,24% cùng kỳ, xếp vị trí thứ 3 trong 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và có mức tăng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Một số doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ lệ đóng góp cao chững lại trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chỉ số tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm 2019 tại Đà Nẵng chưa đạt kế hoạch và có dấu hiệu suy giảm gợi lên nhiều suy nghĩ, có những ý kiến tâm huyết và cũng có cả những băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội.
Điều đó cũng là lẽ đương nhiên, qua đó, thể hiện rõ sự quan tâm của nhân dân đối với quá trình phát triển của Đà Nẵng. Và người dân cũng cần được biết vì sao một số chỉ tiêu kinh tế có dấu hiệu suy giảm và nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình hình đó.
Ở nhiều diễn đàn, lãnh đạo thành phố cũng không ngại đối diện với những câu hỏi này. Về các chỉ số phát triển ngành công nghiệp tăng thấp; các lĩnh vực sản xuất công nghiệp giảm và tăng thấp đa số thuộc các ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị gia tăng của ngành công nghiệp (dệt giảm 37%, sản xuất hóa chất giảm 6,5%; một số ngành chủ lực cũng có mức giảm sâu (sản xuất sắt, thép giảm 36%, điện tử giảm 11%…) do bị tác động chung của chính sách thương mại quốc tế và Việt Nam đã có những ảnh hưởng đến sự phát triển ngành công nghiệp thành phố.
Ngoài nguyên nhân khách quan như vậy, nguyên nhân chủ quan cũng được mổ xẻ khá thẳng thắn. Trong đó, tình hình đầu tư triển khai một số công trình, dự án kinh tế trên địa bàn có phần chững lại do vướng mắc về đất đai theo Kết luận số 2852/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Việc thành phố đang thực hiện nhất quán chủ trương rà soát, điều chỉnh bất cập về hạ tầng, môi trường... phát sinh trong quá trình phát triển thời gian qua, trước mắt ít nhiều đã ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lợi ích doanh nghiệp.
Nhiều dự án, công trình ven sông, ven biển phải tạm dừng triển khai để điều chỉnh quy hoạch theo hướng dành quỹ đất, tăng diện tích phục vụ công cộng; không khuyến khích và hạn chế việc xây dựng các công trình nhà hàng, khách sạn ven biển; hạn chế xây dựng nhà cao tầng tại khu vực trung tâm thành phố.
Thành phố rà soát, xử lý hàng loạt công trình nhà hàng, khách sạn vi phạm quy định về trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường. Chủ trương thành phố cũng hạn chế, không khuyến khích phát triển các ngành sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thành phố ưu tiên xây dựng, phát triển các sản phẩm dịch vụ, du lịch chất lượng cao (giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng chất lượng cao); tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghệ thông tin; ưu tiên đầu tư phát triển các khu vực xa trung tâm thành phố, trên địa bàn huyện Hòa Vang...
Rõ ràng, không phải chính quyền thành phố không hiểu rõ hay không phân tích, đánh giá hết những ”nguyên nhân chủ quan” tác động đến sự tăng trưởng GRDP để điều chỉnh, mà đó chính là sự lựa chọn hướng đi của thành phố. Ai cũng biết quá trình phát triển những năm qua, thành phố đã đạt được rất nhiều thành tựu về kinh tế-xã hội mà nhân dân cả nước, nhân dân thành phố ghi nhận, đánh giá cao, song cũng còn một số tồn tại cần điều chỉnh. Tất cả sự điều chỉnh đó không ngoài mục đích vì sự phát triển Đà Nẵng trong tương lai. Những mục tiêu ấy phải được xác lập từ các quyết sách bây giờ, không thể muộn hơn.
Trong lần tiếp xúc cử tri mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa cho biết, Đảng bộ, chính quyền thành phố đang nỗ lực và quyết tâm thực hiện mục tiêu sớm ổn định và phát triển thành phố theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước mắt, thành phố thực hiện Kết luận số 331-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về rà soát các bất cập tại các dự án lớn của thành phố để có điều chỉnh hợp lý theo hướng phù hợp lợi ích cộng đồng.
Thành phố đang tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án có tính sống còn đối với sự phát triển của thành phố như: thu gom nước thải, làm sạch bãi biển, dự án nước sạch, dự án xử lý rác thải tại bãi rác Khánh Sơn... Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cũng chỉ rõ rằng: Thành phố đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch thành phố theo hướng phát triển bền vững, hợp lý, bảo đảm hạ tầng theo kịp sự phát triển của thành phố và tránh có quy hoạch rồi mà vẫn vi phạm quy hoạch.
“Đánh giá về sự tăng trưởng của thành phố, chúng ta đang đi đúng hướng nhưng sẽ có độ trễ nhất định, ví dụ như đầu tư bất động sản, chúng ta phải chấp nhận để phát triển bền vững hơn”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói.
Được biết, một mặt kiên trì theo đuổi mục tiêu lâu dài về phát triển thành phố bền vững, mặt khác lãnh đạo Đà Nẵng vẫn quyết liệt đặt ra mục tiêu tăng trưởng GRDP 2019 với 2 kịch bản: 6 tháng cuối năm 2019, GRDP tăng 8,14% và cả năm 2019 là 7,25%; hoặc 8,45% và cả năm 2019 là 7,42%. Với quyết tâm đó, Đà Nẵng phải nỗ lực vượt bậc trong điều hành kinh tế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản, đền bù giải tỏa phục vụ đầu tư các dự án..., góp phần khơi thông các nguồn lực đất đai, tài chính... để hoàn thành tốt kế hoạch năm 2019.
Với những quyết sách trước mắt cùng những định hướng tương lai như vậy, chúng ta kỳ vọng về lâu dài thành phố sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, hài hòa lợi ích giữa cộng đồng, doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của thành phố, nhất quán mục tiêu phát triển thành phố một cách bền vững, hướng đến xây dựng thành phố văn minh hiện đại.
NGUYỄN ĐỨC NAM