Nói đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đà Nẵng không thể không nhắc đến Huỳnh Ngọc Huệ. Lúc ấy Huỳnh Ngọc Huệ gần tròn 31 tuổi - ông sinh ngày 10-8-1914. Ngày 9-3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp thì Huỳnh Ngọc Huệ đang bị Pháp bắt giam lần thứ ba ở Nhà lao Con Gà Tourane.
Ngày 10-3, Huỳnh Ngọc Huệ được ra khỏi ngục tù đế quốc và tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam tháng 5-1945, Huỳnh Ngọc Huệ được bổ sung vào Tỉnh ủy, được cử làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Ban Công vận thành phố - một sự phân công rất hợp lý của Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam bởi Huỳnh Ngọc Huệ không chỉ hoạt động chủ yếu trong phong trào công nhân đô thị mà hồi thập niên 30 còn là học sinh rồi được giữ lại giảng dạy ở Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế chuyên đào tạo công nhân.
Lớp học tập các công tác đấu tranh tư tưởng do ngành Tuyên huấn tổ chức trong kháng chiến chống Pháp - có thời kỳ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ được Liên khu 5 phân công công tác trường Đảng. (Ảnh tư liệu) |
Đóng góp lớn nhất của Huỳnh Ngọc Huệ đối với cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở xứ Quảng xuất phát từ một thông tin tình báo. Ngày 13-8, đang còn ở Đà Nẵng, nhận được tin Nhật hoàng vừa tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh, là một nhạy bén trước sự thay đổi của thời cuộc, Huỳnh Ngọc Huệ tức tốc vào Khương Mỹ, Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) - nơi đang diễn ra Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam mới khai mạc ngày hôm trước. Nghe Huỳnh Ngọc Huệ cấp báo thông tin tình báo quan trọng này, Tỉnh ủy Quảng Nam đã kịp thời thảo luận và đi đến quyết định chuyển tất cả các cấp ủy Đảng và Ủy ban Việt Minh các cấp thành Ủy ban bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương để tiến hành khởi nghĩa sớm - Quảng Nam là một trong 4 tỉnh giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước, trong đó sớm nhất là giành được chính quyền ở tỉnh lỵ Hội An vào đêm 17 rạng sáng ngày 18-8.
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay, theo chỉ đạo của Chủ nhiệm Việt Minh thành Thái Phiên Huỳnh Ngọc Huệ - tên gọi Thái Phiên được Việt Minh thành phố thông qua hồi tháng 7 để thay cho tên gọi Tourane - huyện Hòa Vang nằm sát thành Thái Phiên đã giành được chính quyền vào ngày 22-8. Riêng ở địa bàn Tourane/Thái Phiên, trong bối cảnh vẫn còn 5.000 quân Nhật đang đồn trú chờ giải giáp, việc khởi nghĩa giành chính quyền do vậy phải được tính toán thận trọng hơn. Tối ngày 16-8, Bí thư Thành ủy Chủ nhiệm Việt Minh thành Thái Phiên Huỳnh Ngọc Huệ chủ trì cuộc họp Việt Minh thành phố mở rộng để phổ biến quán triệt nghị quyết ngày 13-8 của Tỉnh ủy Quảng Nam, bầu ra Ủy ban Bạo động khởi nghĩa thành Thái Phiên do Lê Văn Hiến làm Trưởng ban, Huỳnh Ngọc Huệ làm Phó Trưởng ban Thường trực.
Sau khi huyện Hòa Vang giành được chính quyền, Ủy ban Bạo động khởi nghĩa thành Thái Phiên quyết định khởi nghĩa ở Tourane vào ngày 23-8. Kế hoạch này phải hoãn lại do Trưởng ban Lê Văn Hiến được điều động đột xuất đi công tác Quảng Ngãi về chưa kịp, nhưng do sợ mất thời cơ đang đến rất gần không thể chần chừ hơn nữa, tối ngày 25-8, Phó Trưởng ban Thường trực Huỳnh Ngọc Huệ mở phiên họp của Ủy ban Bạo động khởi nghĩa thành Thái Phiên để quyết định khởi nghĩa ngay hôm sau. Đến 12 giờ khuya, trong lúc Ủy ban vẫn đương còn họp thì Trưởng ban Lê Văn Hiến vừa kịp về đến nơi và cùng dự họp.
Sáng ngày 26-8, lá cờ đỏ sao vàng đã phấp phới tung bay trên nóc Tòa Đốc lý Tourane, thành Thái Phiên đã hoàn toàn thuộc về nhân dân và cách mạng. Ngày 28-8-1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng thành Thái Phiên do Lê Văn Hiến làm Chủ tịch, Lê Dung làm Phó Chủ tịch tổ chức mít-tinh mừng thắng lợi tại Sân vận động Chi Lăng lịch sử, Bí thư Thành ủy Chủ nhiệm Việt Minh thành Thái Phiên Huỳnh Ngọc Huệ thay mặt lãnh đạo thành phố tuyên bố người dân thành phố đã chính thức được đổi đời trở thành chủ nhân một nước độc lập và long trọng công bố trước đông đảo đồng bào dự mít-tinh các chính sách của Việt Minh.
Bảy mươi bốn năm nhìn lại những đóng góp của Huỳnh Ngọc Huệ, có thể thấy Huỳnh Ngọc Huệ là một nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất không chỉ thể hiện qua sự nhạy bén trước sự thay đổi của thời cuộc, hiểu rõ giá trị của một thông tin tình báo như đã phân tích trên mà còn thể hiện qua tư duy quân sự, khẳng định muốn giành thắng lợi trong đấu tranh bạo động giành chính quyền cũng như trong chiến tranh vệ quốc, cách mạng Việt Nam phải tạo được thế đứng trên đầu thù, tạo được tương quan sức mạnh vũ khí trên chiến trường.
Chính vì thế, được Tỉnh ủy Quảng Nam cử làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trực tiếp phụ trách Ban Công vận thành phố Đà Nẵng, Huỳnh Ngọc Huệ đã tích cực chỉ đạo việc xây dựng các cơ sở tự tạo vũ khí trong thành phố và huyện Đại Lộc quê ông. Công việc này càng được Huỳnh Ngọc Huệ đặc biệt quan tâm sau khi Pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa, tái chiếm Đà Nẵng và vùng phụ cận.
Là một nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất, Huỳnh Ngọc Huệ còn ý thức rằng muốn giành thắng lợi trong đấu tranh bạo động giành chính quyền cũng như trong chiến tranh vệ quốc, chỉ có được thế đứng trên đầu thù, có được tương quan sức mạnh vũ khí trên chiến trường là rất cần nhưng chưa đủ.
Để chiến thắng, theo Huỳnh Ngọc Huệ, cách mạng Việt Nam còn phải tạo được thế đứng giữa lòng dân. Và bản thân Huỳnh Ngọc Huệ đã trực tiếp góp phần tạo thế đứng giữa lòng dân trong một môi trường công tác mà mình sở trường và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn - môi trường công nhân mà trước hết là công nhân trực tiếp sản xuất vũ khí trong các công binh xưởng đương thời. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Huỳnh Ngọc Huệ được xem là một trong những người sáng lập tổ chức Công đoàn ở đất Quảng và miền Trung Trung Bộ nói riêng và trong phạm vi cả nước nói chung. Và người có công trong công tác dân vận, gần gũi với nhân dân, gắn bó với công nhân như Huỳnh Ngọc Huệ đã giành được tình cảm quý mến yêu thương của người dân…
BÙI VĂN TIẾNG