Mỗi khi đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, lại nhớ đến chuyện kể của ông Nguyễn Nhàn, làng Cẩm Toại, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, khi tôi gặp ông năm 2005.
Phù điêu Bia di tích An Phước (trên khuôn viên sân vận động năm xưa) mô tả cuộc tập kết của các lực lượng quần chúng chuẩn bị tham gia cướp chính quyền tháng 8-1945 ở Hòa Vang. |
4 giờ sáng ngày 16-8-1945, trời lâm thâm mưa. Chàng thanh niên Nguyễn Nhàn, 26 tuổi, chưa kịp ra khỏi hàng chè tàu trước cổng nhà, đã nghe tiếng các bạn trẻ hàng xóm ơi ới gọi tên mình. Quay lại lấy chiếc phạng phát bờ dựng bên tường, ông quày quả chạy ra đường.
Người khắp 16 xã trong tổng An Phước ùn ùn kéo về đông như trẩy hội, suốt từ sân đình Cẩm Toại đến sân vận động An Phước. Từ khi thành lập Chi bộ “Bánh Tổ Chiên” - tổ chức Đảng đầu tiên trên đất An Phước, đình Cẩm Toại được cách mạng chọn làm địa điểm hội họp và cất giấu vũ khí. Trước đó, theo lệnh trên, các lò rèn ở Phú Sơn, Hương Lam lặng lẽ chuyển sang rèn các loại vũ khí thô sơ. Cứ tối tối, tự vệ bí mật đi xuống đường ray xe lửa tháo sắt về rèn dao, kiếm.
Sân vận động An Phước đầy người, cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ. Nhàn tìm một gò đất cao, quay nhìn rừng người hừng hực khí thế cách mạng. Sau lời kêu gọi của đại biểu Mặt trận Việt Minh, hàng nghìn người nhất tề hô vang “Đánh đổ phát-xít Nhật”, “Việt Nam muôn năm”. Đoàn người vũ trang giáo mác, gậy gộc rầm rập bước chân như sóng trào, chia làm hai cánh đi cướp chính quyền, một đi về phía Nam, một quay ra hướng Bắc theo đường 14. Càng đi, đoàn người càng đông dần. Các tay lý trưởng hồi còn nanh còn vuốt thì hùng hùng hổ hổ, đến khi nhân dân quật khởi thì co vòi, lấm la lấm lét xin nộp ngay đồng triện. Đến trưa, chính quyền hầu hết các xã trong tổng An Phước đã về tay nhân dân. Chiều hôm đó, Ban khởi nghĩa huyện Hòa Vang họp ở sân vận động An Phước, cắt cử 3.000 người chuẩn bị sáng hôm sau đi cướp đồn Bà Nà.
Được chọn vào tốp đi Bà Nà, Nhàn phấn khởi lắm. Trời chưa sáng hẳn, anh đã chuẩn bị đâu vào đấy một gói cơm với muối mè, chiếc phạng thì từ chiều hôm trước anh đã mài cho ánh thép sáng lóa lên. Nhiều người không biết lấy gì làm vũ khí, đành lăm lăm trong tay con dao phay chặt chuối, đứng vào hàng ngũ chờ lệnh. Sau tiếng kẻng tập hợp, lệnh xuất phát được ban ra, đoàn người lũ lượt băng bộ, cắt đường tắt tiến về hướng Bà Nà. Trong ánh đuốc bập bùng, tiếng mõ, tiếng phèng la hòa cùng tiếng hô vang, tiếng bước chân rầm rập, tạo thành một dòng thác người với khí thế hừng hực không gì ngăn cản nổi.
7 giờ sáng đến chân núi, thêm 2 giờ nữa mới lên đến đỉnh.
Trước đó, tổ chức cách mạng đã đưa ông Phạm Út là cơ sở của ta lên đồn Bà Nà làm công tác tuyên truyền, thêm vào đó, tin tức về khí thế hừng hực tiến công của nhân dân từ tổng An Phước đã lan lên tận đỉnh núi. Vì thế, cả 18 lính bảo an trong đồn đều ra hàng sau khi nhận tối hậu thư của quân ta, hình như họ đã biết trước việc gì sẽ đến với mình. Nhàn nhận thấy họ đã xếp va-li, đóng gói vật dụng đâu vào đấy, ngay cả mấy lồng chim cũng đã được bọc bằng giấy hẳn hoi. Ông Lê Đình Hoàng thay mặt đội tự vệ An Phước nói đôi lời trấn an đám hàng binh rồi cấp giấy thông hành cho họ trở về gia đình.
Thế là ta chiếm gọn khu nghỉ mát của các quan Tây trên đỉnh Bà Nà mà không phải đổ máu, thu được 19 súng trường, 1 súng lục và quân trang, quân dụng - đây là chiến lợi phẩm cực kỳ quý giá trong những ngày đầu của lực lượng cách mạng trên đất An Phước xưa.
Làn sóng thắng lợi giòn giã như chẻ tre của cán bộ cách mạng và nhân dân An Phước còn chưa lắng xuống thì âm vang của ngày toàn quốc khởi nghĩa 19-8-1945 đã dội về vùng đất bán sơn địa này.
Sau Bà Nà, chính quyền các tổng Thái Hòa, An Lưu, Giáo, Thanh An, Bình Thái lần lượt về tay nhân dân, từ đó, làn sóng quật cường đã chồm lên nhấn chìm chính quyền phong kiến ở huyện lỵ Hòa Vang vào ngày 22-8-1945. Sân vận động An Phước xưa đã ghi thêm một chấm son vào trang sử vẻ vang của mình. Tại đây, ngày 24-8-1945, UBND Cách mạng lâm thời huyện Hòa Vang làm lễ ra mắt đồng bào.
Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ