Nhân 58 năm thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961-10-8-2019)

Đồng hành, chia sẻ cùng nạn nhân chất độc da cam

.

Chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại vẫn còn hiện hữu đến tận hôm nay; trong đó nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 và thứ 3.

Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng (trái) tặng quà nạn nhân chất độc da cam năm 2019.
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng (trái) tặng quà nạn nhân chất độc da cam năm 2019.

Hàng ngàn người đã chết, hàng triệu người mắc bệnh ung thư và các bệnh nan y khác, cùng con cháu họ bị dị dạng, dị tật, đang phải sống trong đau khổ, nghèo khó do di chứng tàn khốc của chất độc da cam/dioxin. Trong số họ có rất nhiều gia đình cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật dày vò, cô đơn không nơi nương tựa.

Thành phố Đà Nẵng có hơn 5.000 người nghi nhiễm CĐDC, trong đó có 1.400 trẻ em bị ảnh hưởng chất độc da cam; có hàng ngàn người đang hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, nhưng vẫn còn những người chưa được hưởng chế độ, nhất là thế hệ thứ 3 hoặc do bị thất lạc giấy tờ chứng lý, chưa được hoặc đang được xem xét, đều có chung hoàn cảnh bất hạnh đau khổ. Ngoài ra, còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang rất cần sự giúp đỡ của toàn xã hội.

Trước những nỗi đau và cảnh đời bất hạnh do CĐDC/dioxin gây ra, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và quy định về chế độ, chính sách ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu của họ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Và cũng trước thực tế đó, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã có những việc làm thiết thực để đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam, góp phần chữa trị vết thương chiến tranh cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin gây ra.

Từ tháng 8-2018 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thành phố và các tổ chức quốc tế trong việc đồng hành, ủng hộ và tạo điều kiện hỗ trợ bằng nhiều hành động thiết thực vào các  dịp lễ, Tết và ngày kỷ niệm thảm họa da cam Việt Nam (10-8) hằng năm. Hội phối hợp tổ chức nhiều chương trình “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam”; kêu gọi, vận động và tổ chức tặng hơn 6.000 suất quà với tổng số tiền 1,92 tỷ đồng cho các nạn nhân CĐDC/dioxin; hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà tình thương, trợ cấp khó khăn đột xuất, với số tiền 120 triệu đồng; trợ dưỡng thường xuyên cho 310 người, với số tiền gần 480 triệu đồng; hỗ trợ đào tạo nghề may cho 27 em tại Trung tâm, trị giá 98 triệu đồng.

Từ số tiền hỗ trợ, Hội mua mới 1 chiếc ô-tô 29 chỗ ngồi và nâng cấp 1 xe 16 chỗ để đưa đón các cháu đến trung tâm học tập với số tiền 1,5 tỷ đồng; đầu tư sửa chữa ngân cấp hạ tầng, khu tăng gia sản xuất, chăn nuôi, mở rộng phòng học tại Trung tâm trị giá 300 triệu đồng. Đặc biệt, Hội tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy nghề, dạy học, phục hồi chức năng, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí với tổng kinh phí 1,98 tỷ đồng; tổ chức xông hơi giải độc cho 90 trường hợp. Tổng số tiền trực tiếp hỗ trợ cho nạn nhân CĐDC thành phố là 6,4 tỷ đồng.

Đồng hành chia sẻ và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng là việc làm thường xuyên của các cấp Hội và lương tâm, trách nhiệm của toàn xã hội, là đạo lý của dân tộc Việt Nam với truyền thống “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”. Những hoạt động đó từng bước giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của gia đình nạn nhân, nhằm chia sẻ động viên gia đình nạn nhân da cam có thêm nguồn lực vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Trà Thanh Lành

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP. Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.