"Nóng" trong tuần với chủ quyền biển đảo; chất vấn tại nghị trường

.

Tuần qua, việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là vấn đề “nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, thông tin về kỳ họp 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và sự việc Hưng “kính” tử vong khi đang thi hành án được dư luận hết sức chú ý.

Kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: TTXVN phát
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 16-8, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.

Chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về các nội dung liên quan đến thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc thực hiện 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 4 kết luận về chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc giám sát lại đối với các nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát, chất vấn. Chính phủ đã chuẩn bị 10 báo cáo, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực trong nghị quyết và kết luận.

​ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi của đại biểu nêu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
​ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi của đại biểu nêu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

“Hệ sinh thái số của Việt Nam” là một nội dung được quan tâm nhiều tại phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Theo Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, khi nói đến hệ sinh thái số Việt Nam, chúng ta đặt vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam bởi “không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, thậm chí chúng ta mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài. Hiện những thông tin mà họ thu thập được mới dùng để quảng cáo, nhưng trong trường hợp đặc biệt dùng vào việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh”. Bộ trưởng cũng cho biết những kết quả nổi bật trong việc đấu tranh với các hành vi sử dụng môi trường mạng để chống phá đất nước, kêu gọi, kích động người dân biểu tình, bạo loạn, thông tin sai sự thật, vu khống, lừa đảo, đánh bạc nghìn tỷ… gây hậu quả rất nghiêm trọng tới chính trị, kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn, đạo đức xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng, giám sát được các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát được thông tin trên không gian mạng báo chí, điện tử, mạng xã hội. Vấn đề sim rác cũng được Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cam kết: Từ nay đến tháng 9/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung giải quyết các lượng sim rác trên kênh bằng cách các nhà mạng phải mua lại.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi cho người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải liên quan đến xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam, vấn đề thu phí tự động không dừng, giải pháp đảm bảo tiến độ thi công tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ... Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về đường cao tốc Bắc – Nam, đến thời điểm này, Bộ đã phê duyệt dự án, đang triển khai thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Hơn một tháng trước, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thường trực Chính phủ và Thường trực Chính phủ đang xin ý kiến các cơ quan để thực hiện dự án này, bảo đảm đạt ý nghĩa kinh tế, an ninh, quốc phòng.

​Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời các câu hỏi của đại biểu nêu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
​Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời các câu hỏi của đại biểu nêu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Về tiến độ thi công đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khi nhà đầu tư đang gặp khó khăn về vay vốn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, đối với đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận, Chính phủ đã có quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng để hỗ trợ nhà đầu tư và cho phép nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án, nhà đầu tư bỏ vốn vào khoảng 3.000 tỷ đồng và số vốn còn lại là của các cơ quan tín dụng. Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng để hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Đến năm 2020, dự án sẽ cơ bản thông xe đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, đồng thời hoàn thành toàn bộ vào năm 2021, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, quý I/năm 2020, Bộ sẽ khởi công cầu Mỹ Thuận 2.

Về việc triển khai thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã thực hiện trong 2 năm, đến nay có hai nhà đầu tư cung cấp dịch vụ không dừng; do đó các chủ đầu tư có nhiều lựa chọn. Hàng tháng, trong cuộc họp giao, Bộ đều có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư. Đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT, nếu nhà đầu tư phối hợp tốt sẽ triển khai nhanh. “Đến ngày 31/12, chúng tôi sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không áp dụng thu phí tự động không dừng. Hiện nay, chúng tôi sẽ kiểm điểm tiến độ hàng tháng và có giải pháp, nếu các nhà đầu tư cố tình chây ỳ thì chắc chắn phải chịu hậu quả kinh tế”, Bộ trưởng khẳng định.

Việc xã hội hóa đầu tư sân bay Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, khi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư sân bay sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), ảnh hưởng đến nguồn thu của doanh nghiệp Nhà nước, tài sản Nhà nước. “Quan điểm của Chính phủ là tiếp tục xã hội hóa nhưng theo hình thức khác. Ví dụ, Cảng hàng không Lào Cai đang kêu gọi đầu tư, nếu doanh nghiệp quan tâm thì làm từ đầu cả hạng mục sinh lợi và không sinh lợi để đảm bảo hài hòa lợi ích”, ông Nguyễn Văn Thể phân tích.

Hàng loạt vấn đề nóng của ngành Công Thương như việc xử lý trách nhiệm khi để xảy ra vụ sản xuất xăng dầu giả, làm giả nhãn mác, thương hiệu Việt Nam... đã được các đại biểu nêu ra. Về vụ sản xuất xăng dầu giả, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích: Trên thực tế, ngay khi xảy ra vụ đường dây sản xuất xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, Bộ Công Thương cho kiểm tra, phát hiện một số vấn đề về phối hợp đồng bộ các lực lượng ở các địa phương, khả năng thực thi nhiệm vụ của các đơn vị… Sau khi lực lượng công an điều tra vụ xăng giả, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra lại quá trình tổ chức thực thi pháp luật.

Đối với vấn đề làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương cho biết, trên thực tế đã có những khung khổ pháp luật để điều chỉnh việc quản lý hàng hóa xuất xứ Việt Nam. “Thời gian qua, Bộ Công Thương đã xin phép Chính phủ để xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn về sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Với các quy định đề ra, mặc dù các doanh nghiệp vẫn có quyền tự đăng ký, tự công bố, chịu trách nhiệm với việc này nhưng cơ quan chức năng cũng có căn cứ để giám sát sự trung thực, tính trách nhiệm của doanh nghiệp trong tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Về vấn nạn “tín dụng đen”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, do trấn áp mạnh, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây; nhiều chỗ tạm dừng hoạt động và hoạt động cầm chừng, đồng thời nhân dân đã cảnh giác với hoạt động này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình "tín dụng đen", bảo kê, đòi nợ thuê vẫn còn diễn biến phức tạp, có nơi có lúc gây lo lắng trong nhân dân. Đáng chú ý, hoạt động cho vay qua mạng Internet (tín dụng đen biến tướng qua không gian mạng) đang có chiều hướng gia tăng và rất khó kiểm soát...

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó đặc biệt phối hợp với ngành ngân hàng giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay…

Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn nhiều vấn đề của các đại biểu, trong đó có nội dung về “tham nhũng vặt”. Theo Phó Thủ tướng, gọi là “tham nhũng vặt” nhưng tác động của nó không vặt chút nào. Con đê rất cao to, hùng vĩ, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ. Tham nhũng vặt tác động làm băng hoại đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp. Theo Phó Thủ tướng, thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp. Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo; Thứ hai, hoàn thiện quy định về quy chế, quy trình cho trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin; Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao; Thứ tư, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật,

Đối tượng Hưng "Kính"vụ chợ Long Biên tử vong do bệnh xơ gan

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), bệnh nhân Nguyễn Kim Hưng (còn gọi là Hưng "kính") nhập viện từ 23 giờ đêm 13/8 được chẩn đoán xơ gan. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh nặng nên bệnh nhân Nguyễn Kim Hưng tử vong lúc 11 giờ 30 phút ngày 14/8.

​Bị cáo Nguyễn Kim Hưng tại tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
​Bị cáo Nguyễn Kim Hưng tại tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trước đó, sáng 26/7, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Kim Hưng và 4 "đàn em" gồm Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long, Dương Quốc Vương trong vụ án Cưỡng đoạt tài sản của tiểu thương chợ Long Biên.

Theo tài liệu điều tra, từ ngày 14/3/2018 đến 1/9/2018, Nguyễn Kim Hưng là tổ trưởng tổ bốc xếp số 2 tại chợ Long Biên ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo quy định của Ban Quản lý chợ Long Biên, nhóm Hưng “kính” không có quyền phân công người thu tiền bốc dỡ, phải thực hiện việc ghi tên chủ hàng, biển kiểm soát ô tô, số lượng hàng và số tiền thu vào mẫu do Ban Quản lý chợ Long Biên phát hành. Hưng "kính" phải thực hiện đúng hợp đồng bốc dỡ giữa các hộ kinh doanh với Ban Quản lý chợ, không có quyền đuổi xe, sắp xếp xe trong chợ, không có tiền chi tiêu số tiền bốc dỡ hàng hóa mà phải nộp ngay số tiền đã thu trong ngày.

Tuy nhiên, để trục lợi cá nhân, dưới danh nghĩa nhân viên tổ bốc xếp số 2, Nguyễn Kim Hưng đã chỉ đạo đàn em là Dương Quốc Vương, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long sử dụng các thủ đoạn chèn ép, đe dọa bắt các hộ tiểu thương trong chợ Long Biên phải nộp tiền bảo kê dưới dạng tiền mua “lốt” xe.

Với hành vi này, Toà án thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Kim Hưng 48 tháng tù, các bị cáo khác bị tuyên phạt: Nguyễn Hữu Tiến 36 tháng tù; Lê Thanh Hải 42 tháng tù; Nguyễn Mạnh Long 42 tháng tù; Dương Quốc Vương 42 tháng tù.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.