Sáng 24-9, phát biểu tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trước hết phải có khát vọng và tâm huyết cho kinh tế và cơ khí Việt Nam để tăng giá trị trong chuỗi toàn cầu”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sẽ có nghị quyết tốt cho cơ khí Việt Nam. Ảnh: VGP |
Đặc biệt, ngành cơ khí phải xác định rõ nét thị trường, phân khúc thị trường trong nước ngoài nước. Từ đó, ngành cơ khí Việt Nam cần có các chính sách vĩ mô phù hợp, kèm theo, nhất là về thuế và lãi suất để hỗ trợ ngành cơ khí tốt hơn. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo, phải tập trung phát triển cơ khí ô-tô và hệ sinh thái sản phẩm từ ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam.
Bên cạnh đó, phải phát triển công nghiệp chế biến, công nghệ cơ khí phục vụ nông nghiệp. Bởi vì hiện tại việc thất thoát sau thu hoạch trong nông nghiệp Việt Nam còn lớn, lao động trong ngành nông nghiệp có số lượng cao nhưng năng suất lao động thấp do khâu cơ giới hóa còn hạn chế.
Vấn đề thứ 2 được Thủ tướng chỉ đạo là tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí phát triển; trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ”; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp khâu cuối cùng. Đặc biệt, doanh nghiệp cơ khí phải chú trọng những sản phẩm cơ khí tiềm năng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan hữu quan phải nghiên cứu lại chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước tham gia các công trình trong nước; sửa đổi quy định đấu thầu, nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư hàng hóa trong nước; tạo thị trường cho doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.
Cùng với đó là Việt Nam phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí tiếp cận thông tin, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như ứng dụng người máy, công nghệ in 3D, tự động hóa... nhằm nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, thích ứng với công nghệ mới từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng cơ khí trong nước. Cùng với đó là các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh chống gian lận thương mại, buôn lậu, nhập khẩu thiết bị cũ nát ảnh hưởng đến cơ khí Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng hệ thống quản lý nghề quốc gia, đặc biệt là kỹ năng nghề trong lĩnh vực cơ khí; xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh; “có khát vọng Việt Nam trên thương trường”. “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành với những doanh nghiệp cơ khí với khát vọng vươn tới những tầm cao, tận dụng thời cơ, điều kiện tốt để chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học và công nghệ, đỉnh cao của sản phẩm. Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp cơ khí trong nước và nước ngoài để cùng nhau phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận.
Theo Vietnamplus.vn