Nhiều dự án "treo" trên địa bàn huyện Hòa Vang

.

Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện Hòa Vang có 305 đồ án được quy hoạch lớn, nhỏ. Điều đáng nói là hiện nay nhiều quy hoạch kéo dài thời gian thực hiện quá lâu gây khó khăn, bức xúc cho người dân và chính quyền cơ sở trong công tác quản lý xây dựng trái phép.  

Các dự án treo trên địa bàn huyện Hòa Vang đã gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. TRONG ẢNH: Một số diện tích đất nông nghiệp ở xã Hòa Ninh bị hoang hóa do ảnh hưởng các dự án.        Ảnh: TRỌNG HUY
Các dự án treo trên địa bàn huyện Hòa Vang đã gây khó khăn cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. TRONG ẢNH: Một số diện tích đất nông nghiệp ở xã Hòa Ninh bị hoang hóa do ảnh hưởng các dự án. Ảnh: TRỌNG HUY

Qua ghi nhận thực tế cho thấy, ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang đều có dự án quy hoạch chưa được triển khai, kéo theo nhiều hệ lụy, khiến người dân bức xúc. Ông Lê Văn Cừ, cán bộ địa chính xã Hòa Ninh cho biết, toàn xã có 48 dự án được quy hoạch, nhưng gần chục dự án treo. “Các dự án chậm triển khai gây hệ lụy rất lớn cho người dân trong vùng quy hoạch. Người dân không thể xây dựng, tách thửa, chuyển đổi hay mua bán sang nhượng đất đai. Có gia đình sống chung trong một nhà chật hẹp với gần chục nhân khẩu, 3 đến 4 thế hệ. Nhu cầu nhà ở, chia tách sổ rất lớn, nhưng đành chịu đựng”, ông Cừ nói.

Ông Phan Vàng, ở thôn An Sơn (xã Hòa Ninh) - nơi có dự án khu du lịch sinh thái phía đông nhà vườn Hòa Ninh và dự án mở rộng khu dân cư kinh tế vườn Hòa Ninh quy hoạch từ năm 2012, bức xúc: “Muốn làm cái nhà cho rộng, muốn cắt miếng đất chia cho mấy đứa con ra riêng ở độc lập, nhưng đụng vào đâu cũng bảo vướng quy hoạch. Chúng tôi chỉ mong muốn, nếu thành phố quy hoạch dự án thì sớm triển khai và di dời, giải tỏa hoặc tái định cư tại chỗ hoặc xóa dự án để người dân có điều kiện làm nhà, tách đất cho con cái ổn định cuộc sống”.

Xã Hòa Ninh có diện tích tự nhiên hơn 10.000ha, có 8 thôn, khoảng 6.500 nhân khẩu. Theo ông Lê Văn Cừ, cả 8 thôn đều bị ảnh hưởng dự án, với khoảng 2/3 số hộ dân liên quan. Việc dự án chậm triển khai tác động rất lớn đến đời sống người dân, bởi đa phần dân cư thuần nông nghiệp, sản xuất rừng. Có thể kể tên một số dự án “treo” nhiều năm như: Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung quy hoạch từ năm 2012 với diện tích trên 200ha; Khu CNTT tập trung 2 phê duyệt tháng 12-2012 với diện tích hơn 56ha; dự án Khu du lịch sinh thái phía đông nhà vườn Hòa Ninh và mở rộng kinh tế vườn Hòa Ninh với diện tích hơn 70ha; dự án Khu đô thị sinh thái và biệt thự nhà vườn đường Hoàng Văn Thái, phê duyệt năm 2014, có diện tích gần 900ha; dự án Khu biệt thự sinh thái tại xã Hòa Ninh, phê duyệt  năm 2015, có diện tích 150ha; dự án Khu tái định cư giữa khu số 2 và số 3 nối đường ĐT602, phê duyệt từ năm 2012, với diện tích trên 11ha.

Theo ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, việc có nhiều dự án chậm triển khai trên địa bàn gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương. Dù đến nay ít có trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, song những kiến nghị chính đáng của người dân khiến chính quyền xã nhiều lần bối rối, khó có câu trả lời thỏa mãn. “Công tác định hướng phát triển kinh tế-xã hội lâu dài trên địa bàn xã cũng “tiến thoái lưỡng nan”, vì không thể biết dự án khi nào triển khai, trong khi quỹ đất nông nghiệp bị quy hoạch gần hết”, ông Thương nói.

Ngoài xã Hòa Ninh có nhiều dự án chậm triển khai, ở xã Hòa Nhơn được quy hoạch tới 52 dự án lớn, nhỏ; có không ít dự án được quy hoạch từ trước năm 2010 nhưng đến giờ vẫn “án binh bất động”. Đơn cử như dự án xây dựng Trường Cao đẳng Phương Đông (quyết định phê duyêt quy hoạch từ năm 2009 ở khu vực thôn Thạch Nham Đông, với tổng diện tích 10ha đất) đến nay dự án này vẫn chưa khởi động. Tiếp đó là dự án đường nối từ mỏ đá Hòa Nhơn ra đường Lê Trọng Tấn ở thôn Phước Thuận và dự án Cụm công nghiệp Hòa Nhơn ở thôn Phước Thuận. Ngoài ra, hàng chục dự án khác ở trên địa bàn xã Hòa Nhơn cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho rằng, hàng chục năm qua, nhiều thôn trên địa bàn xã không những phải hứng chịu ô nhiễm nặng từ các mỏ đất, mỏ đá gây ra, mà còn khổ vì những dự án đã được quy hoạch nhưng chậm triển khai. Tình trạng này không những làm khó dân mà ngay cả chính quyền địa phương cũng gặp nhiều trở ngại trong công tác quản lý trật tự đô thị. “Người dân không có chỗ ở, họ đành liều cất nhà tạm hay cơi nới thì phải đến lập biên bản, canh giữ nên quản lý rất khó khăn, nhất là các hộ dân có nhu cầu thực sự về nhà ở”, ông Phát thông tin thêm.

Ông Phạm Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, để giải quyết thực trạng này, trước hết thành phố cùng các cấp, các ngành cần rà soát, thẩm định lại dự án, năng lực nhà đầu tư. Nếu thấy dự án nào khả thi thì tiếp tục thực hiện, còn dự án nào không khả thi, bất hợp lý thì nên xóa quy hoạch, không làm ảnh hưởng dai dẳng đến cuộc sống của người dân.

TRỌNG HÙNG - TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.