THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

Ủng hộ mô hình 1 cấp chính quyền và 2 cấp hành chính

.

Ngày 3-1, UBND thành phố tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo đề án thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại thành phố Đà Nẵng. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hà Ban; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì hội thảo. Hội thảo còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ cơ quan Trung ương, bộ, ngành và của thành phố.

Lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo thành phố đồng chủ trì hội thảo.  Ảnh: SƠN TRUNG
Lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo thành phố đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: SƠN TRUNG

Phù hợp với tính chất đô thị

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nêu rõ mục tiêu thí điểm mô hình CQĐT nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị và khu vực nông thôn đang đô thị hóa. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền của Trung ương cho chính quyền thành phố nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp trên các lĩnh vực; phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của thành phố cho sự phát triển bền vững.

Đổi mới cơ chế, phương thức quản lý của chính quyền các cấp; xây dựng chính quyền đô thị thông minh, phù hợp với quản lý đô thị thống nhất, tập trung, xuyên suốt, nhanh nhạy. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giữ vững vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, phát huy các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Trình bày báo cáo đề dẫn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, thành phố Đà Nẵng đề xuất 2 phương án về thí điểm mô hình CQĐT: Phương án 1: Một cấp chính quyền thành phố (gồm HĐND và UBND thành phố) và 2 cấp hành chính quận, huyện, phường, xã (không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã). Phương án 2: Chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) tại thành phố, quận, huyện và xã; ở phường là UBND (không tổ chức HĐND phường).

Trên cơ sở phân tích những ưu điểm, hạn chế của từng phương án, thành phố đề xuất lựa chọn phương án 1. Cơ sở pháp lý của phương án này là Quốc hội đã thông qua đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Theo đó, cho phép thí điểm mô hình mới khi đủ điều kiện. Thành phố Đà Nẵng đã từng thí điểm có kết quả mô hình chính quyền địa phương ở cấp huyện, quận, phường chỉ có UBND (không có HĐND) giai đoạn 2009-2016, hoạt động chính quyền các cấp này ổn định, thông suốt. Người dân và doanh nghiệp hài lòng với cách thức phục vụ của chính quyền trong cung ứng dịch vụ công.

Có cơ chế đặc thù để tăng tính tự chủ

Đa số ý kiến tại hội thảo ủng hộ Đà Nẵng tổ chức thí điểm chỉ có 1 cấp chính quyền thành phố và 2 cấp hành chính ở quận, huyện, phường, xã. Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý là có Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, mở đường cho thí điểm CQĐT. “Thành phố phải lưu ý khi chỉ còn 1 cấp chính quyền thành phố và 2 cấp hành chính quận, huyện, phường, xã cần thiết lập được các kênh tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh nhất với đại biểu HĐND thành phố thì quyền dân chủ của người dân mới bảo đảm tốt hơn”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) ủng hộ Đà Nẵng thực hiện thí điểm CQĐT chỉ có 1 cấp chính quyền thành phố và 2 cấp hành chính ở quận, huyện, phường, xã.  Ảnh: S.TRUNG
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh) ủng hộ Đà Nẵng thực hiện thí điểm CQĐT chỉ có 1 cấp chính quyền thành phố và 2 cấp hành chính ở quận, huyện, phường, xã. Ảnh: S.TRUNG

Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đề nghị phải có cơ chế kiểm soát quyền lực ở cấp hành chính (khi không còn HĐND quận, huyện, phường, xã). Tuy nhiên, ông Hiển băn khoăn thực hiện CQĐT nhưng huyện Hòa Vang vẫn còn 6 xã chưa đạt tiêu chí đô thị. Ông Hiển lưu ý thành phố hoàn thiện đề án thực  hiện CQĐT phải rà soát kỹ các luật có liên quan để đề xuất cơ chế đặc thù phù hợp với CQĐT, nếu không sẽ rất vướng. Trong khi đó, ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm CQĐT thì các cơ chế đặc thù được đưa vào Luật Thủ đô sửa đổi sắp đến. Đối với Đà Nẵng, ông Tuế đề nghị cần có 2 nghị quyết của Quốc hội gồm nghị quyết về CQĐT và nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đi liền với mô hình CQĐT mà Đà Nẵng lựa chọn. Một số ý kiến cho rằng, mô hình CQĐT của Đà Nẵng không chỉ đơn giản là không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, xã mà phải có tính tự chủ cao, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị tổ biên soạn đề án tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh và tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của việc triển khai mô hình CQĐT và phân cấp, ủy quyền về cơ chế, chính sách với sự phát triển kinh tế-xã hội và công tác quản lý Nhà nước tại thành phố Đà Nẵng. Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án để báo cáo, trình Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương, trên cơ sở đó để Quốc hội xem xét, ban hành thông qua nghị quyết cho Đà Nẵng thực hiện thí điểm CQĐT.

S.TRUNG

;
;
.
.
.
.
.