Ngày 15-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25-3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Hơn 10 năm qua kể từ khi thành lập, những cán bộ của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố (Trung tâm) đã có nhiều hoạt động hiệu quả, triển khai nhiều mô hình giúp cho hàng trăm trẻ khuyết tật, nạn nhân bom mìn, trẻ bị xâm hại... được hỗ trợ. Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm cho rằng, CTXH không chỉ đơn thuần là việc huy động sự giúp đỡ vật chất, mà là sự chia sẻ và trao niềm tin; đồng thời, kết nối với chính sách an sinh của thành phố.
Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Trương Thị Như Hoa (thứ 6, trái sang) trao giải cho các cá nhân đạt giải tại cuộc thi “Tôi yêu công tác xã hội”. Ảnh: NGỌC TRÂM |
* Theo bà, nghề CTXH có tầm quan trọng như thế nào trong xã hội hiện nay, nhất là đối với Đà Nẵng?
- CTXH là hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của người dân, của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, các mâu thuẫn, bất bình đẳng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng và phồn vinh của xã hội. Với điều kiện ở Việt Nam, CTXH càng có ý nghĩa to lớn, là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong việc bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững.
Đà Nẵng được cộng đồng các tổ chức quốc tế công nhận về sự cởi mở, chân thành, nhiệt huyết trong CTXH, chịu khó học hỏi kinh nghiệm quốc tế, những mô hình hay, những cách làm hiệu quả, góp phần mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân và nhất là các đối tượng yếu thế. Hơn 200.000 người dân trong thành phố cần sử dụng các dịch vụ CTXH, đòi hỏi chúng ta cần quan tâm đầu tư nhiều hơn từ việc xây dựng hành lang pháp lý, các chính sách trong công tác đào tạo, đầu tư nguồn nhân lực đến việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về nghề CTXH.
Gần đây, trên địa bàn thành phố nổi lên rất nhiều hoạt động từ thiện của những người có tấm lòng nhân ái biết yêu thương và sẻ chia... Tuy nhiên, hầu hết những hoạt động đó đều nhỏ lẻ, pha đợt và cần phải được hỗ trợ về phương pháp và cách thức để mang lại hiệu quả nhiều hơn... Bởi CTXH không chỉ đơn thuần là việc huy động sự giúp đỡ vật chất, mà là sự chia sẻ và trao niềm tin vào giá trị bản thân để tự lực vượt qua; đồng thời, kết nối với chính sách an sinh của thành phố. Nhân đây, thay mặt Trung tâm, tôi xin gửi lời cảm ơn đến các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trong thời gian qua để hoạt động CTXH ngày càng hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nhất là các đối tượng yếu thế.
* Theo bà, thời gian qua, Trung tâm có những hoạt động nào nổi bật và mang lại điều gì cho cộng đồng?
- Là một đơn vị sự nghiệp công, Trung tâm vừa có vai trò là cơ quan tham mưu giúp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phát triển nghề CTXH, vừa là đơn vị cung cấp các dịch vụ CTXH cho trẻ em và người khuyết tật trên địa bàn. Trung tâm đã nỗ lực tham mưu Sở LĐ-TB&XH trong việc hình thành mạng lưới cộng tác viên là cán bộ trẻ em tại địa phương cùng tham gia, huy động sự vào cuộc của các cơ sở cung cấp dịch vụ, vận động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên trung tâm và mạng lưới; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, cũng như ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ trẻ em và trợ giúp người khuyết tật.
Trung tâm là nơi được Bộ LĐ-TB&XH và tổ chức UNICEF đầu tư để nghiên cứu, ứng dụng và đề xuất các mô hình dịch vụ CTXH phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Điểm nhấn trong hoạt động là mô hình phường làm tốt CTXH với trẻ em được Trung tâm xây dựng và đề xuất UNICEF tài trợ thực hiện từ 2013 đến nay. Ngoài ra, mô hình Cơ sở phòng trị rối nhiễu tâm trí, hỗ trợ người bệnh tâm thần hòa nhập cộng đồng cũng đạt thành công bước đầu, được Cục Bảo trợ xã hội chọn làm thí điểm theo định hướng đề án 1215 của Chính phủ.
Với 2 mô hình “Sống độc lập cho trẻ chậm phát triển trí tuệ” và “3 trong 1 trong can thiệp phục hồi trẻ khuyết tật”, Trung tâm giúp cho trẻ em được cải thiện nhiều mặt, góp phần hòa nhập cộng đồng. Cuối cùng, kết quả của hành trình phát triển 10 năm qua là sự ra đời của Hội quán hạnh phúc.
Đến nay, vào mỗi thứ bảy hằng tuần, Hội quán hạnh phúc được tổ chức tại Trung tâm dành cho học sinh và phụ huynh. Đây là nơi kết nối yêu thương; nơi nhận chân giá trị gia đình và xã hội; nơi đánh thức những giá trị sống tốt đẹp tự thân; là cầu nối giữa người cho và người nhận; là cơ hội để lan tỏa tài năng và chia sẻ các giá trị sống hạnh phúc... Với mục tiêu cùng hành động vì chất lượng cuộc sống, Hội quán góp phần thực hiện sứ mệnh cao quý của CTXH - vì hạnh phúc cộng đồng.
* Hiện nay, khó khăn mà đơn vị đang gặp phải là gì? Bà có đề xuất gì để Trung tâm hoạt động hiệu quả hơn nữa?
- Hai khó khăn lớn nhất hiện nay của trung tâm là nguồn nhân lực và hành lang pháp lý cho nghề CTXH đang phát triển ở Việt Nam. Hiện nay, đội ngũ nhân viên hợp đồng từ các chương trình, đề án... chưa thật sự ổn định. Đội ngũ cán bộ trẻ em, cán bộ của ngành lao động tại phường, xã cũng ngày càng tinh giảm và biến động thường xuyên nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng dịch vụ cung ứng. Về hành lang pháp lý, có thể thấy rõ hiện nay là chưa đủ căn cứ pháp lý cho nghề CTXH hoạt động.
Chính sách thu hút và đãi ngộ đối với nhân viên CTXH cũng là một bài toán khó trong giai đoạn hiện nay.
Trung tâm CTXH Đà Nẵng mong muốn được bố trí thêm nguồn nhân lực ổn định để hoạt động hiệu quả hơn. Thành phố cần đầu tư nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CTXH cho nhân viên của các tổ chức xã hội - họ chính là nhân viên CTXH bán chuyên nghiệp tại cộng đồng - là cầu nối để người dân được tiếp cận chính sách an sinh xã hội. Chính phủ và Quốc hội cần sớm ban hành các văn bản pháp lý có hiệu lực cao tạo cơ hội cho nghề CTXH phát triển mạnh, đồng bộ và đều khắp ở tất cả các lĩnh vực liên quan, các ngành, chính quyền địa phương và dịch vụ cộng đồng phục vụ cho gia đình và người yếu thế trong xã hội.
* Hiện nay, vẫn còn tình trạng trẻ bị xâm hại với nhiều dạng thức khác nhau. Trung tâm có định hướng gì để hỗ trợ các em?
- Theo tôi, cần phải làm sao cho trẻ có thể hình thành quan điểm riêng của mình, nghĩa là giúp cho trẻ tự tin. Một đứa trẻ tự tin, bản lĩnh sẽ biết cách ứng phó như thế nào trước hành vi xâm hại từ người khác. Bên cạnh nội lực của bản thân, trẻ cần có thông tin về các nguồn lực trợ giúp để được chia sẻ và bảo vệ, đó chính là tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Ngoài ra, cần tạo ra một môi trường an toàn, lành mạnh, hạnh phúc... để trẻ được yêu thương đúng cách và được bảo vệ tốt. Để xây dựng được gia đình hạnh phúc và trường học thân thiện, chính những người sống trong 2 môi trường đó phải thật sự được bình an. Cần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đủ lớn mạnh để dần đẩy lùi những tiêu cực trong xã hội.
* Xin cám ơn bà.
NGỌC TRÂM thực hiện