Những ngày hè nắng gắt, chạy xe ngoài đường, có lẽ ai cũng muốn tuyến đường nào cũng rợp bóng mát cây xanh. Dưới cái nắng chói chang càng thấy cây xanh quý biết bao!
Những không gian xanh quý giá giữa lòng đô thị. Ảnh: XUÂN SƠN |
Trong bối cảnh đô thị hóa, những mảng xanh tự nhiên đang dần ít đi. Ở Đà Nẵng, trước mùa mưa bão, nhiều cây xanh bị cắt tỉa để phòng, tránh những rủi ro do gió, bão gây ra ảnh hưởng tới tài sản và tính mạng con người. Tuy nhiên, việc cắt tỉa như thế nào cho phù hợp cũng là bài toán không dễ dàng, buộc đơn vị chức năng phải tính toán kỹ lưỡng.
Mới đây, trong một group (nhóm) trên mạng xã hội với tên gọi “Tôn trọng trái đất” với sự tham gia của gần 12.000 thành viên, trong đó có rất nhiều người trẻ, đã thường xuyên trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến môi trường sống, thiên nhiên cây cối. Tôi ấn tượng về một ý tưởng được rất nhiều người hưởng ứng, chia sẻ. Bạn trẻ này đã đưa ra ý tưởng “Hãy trồng cây bằng chính rác trong nhà của bạn”, tức là sau khi ăn các loại trái cây (có thể là mít, vải, xoài, nhãn…), hãy rửa sạch hạt và phơi khô dưới ánh mặt trời để hạt không còn dính nước, tránh nấm mốc. Sau đó, bọc hạt vào giấy báo hoặc cho vào hộp không đậy nắp.
Khi đi chơi đâu đó, hãy mang theo hạt và thả hoặc chôn vào những vùng đất trống, đất ven đường hoặc đất ở các vùng quê… Những hạt cây này sẽ được chọn lọc tự nhiên và nảy mầm thành những mầm cây mới khi đủ điều kiện. Những cây này mọc lên nếu quả không thật to thì cũng sẽ giúp chim, thú có thêm thức ăn, hoặc nghĩ đơn giản hơn là đã góp phần ươm mầm, trồng thêm được một cây xanh.
Ý tưởng của bạn trẻ này đã thu hút sự quan tâm của hơn 1.500 lượt người like (thích) và gần 800 người đã chia sẻ ý tưởng đó. Điều này cho thấy, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của môi trường, của cây xanh đối với đời sống con người trong một bộ phận giới trẻ cũng đã có nhiều thay đổi. Đôi khi chỉ một vài hành động nhỏ thôi nhưng sẽ giúp mang lại màu xanh cho cuộc sống, tác động tốt đến môi trường.
Cuối năm ngoái, một dự luật của Philippines có tên gọi “Di sản tốt nghiệp cho hành động vì môi trường” đã được Quốc hội nước này thông qua, theo đó yêu cầu mỗi học sinh năm cuối cấp tiểu học, trung học và đại học phải trồng ít nhất 10 cây xanh trước khi tốt nghiệp. Nếu luật này đi vào đời sống thì trong tương lai không xa, Philippines sẽ được phủ màu xanh của cây cối và học sinh, sinh viên cũng hiểu thêm ý nghĩa, vai trò của cây xanh đối với môi trường, xã hội.
Hành động chặt hay phá bỏ một cây xanh thì rất dễ. Chỉ cần một vài lát cưa, một cây xanh sẽ ngã xuống nhưng để trồng và ươm được một mầm non lớn lên thành một cây xanh cho bóng mát lại không dễ dàng. Thực tế, không nhất thiết phải trồng những cây lớn, chỉ cần những cây xanh nhỏ cũng sẽ góp phần giảm áp lực cho môi trường, khí hậu. Năm 2019, Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng có một hoạt động rất ý nghĩa là đổi rác lấy cây xanh.
Các tình nguyện viên sau khi tham gia thu, gom rác tại các bãi biển sẽ đem rác cân ký để đổi lấy một cây xanh về chăm sóc. Hiện nay, một số khu dân cư, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn thành phố cũng có những phong trào hoạt động xây dựng, hình thành những khu phố xanh… Tuy nhiên, cần phải làm sao cho hiệu quả và có sức lan tỏa để bản thân mỗi người đều cảm thấy được niềm vui, sự yêu thích khi trồng thêm những mầm xanh cho cuộc sống.
THU HÀ