Hơn 1 năm qua, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm giảm tác hại cho người bán dâm, đồng thời giúp họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.
Nghỉ học từ năm lớp 6, không có nghề nghiệp, nuôi mẹ bị bệnh gan, Q. (19 tuổi, quê tỉnh Bình Định) dự định ra Đà Nẵng để phụ bán quán nhậu hoặc cà phê kiếm để tiền gửi về chữa bệnh cho mẹ. Thế nhưng, thấy Q. xinh đẹp, nhiều người đàn ông rủ rê đi bán dâm với số tiền “bo” khá lớn đã khiến Q. sa ngã. Mỗi lần như thế, trừ tiền môi giới, Q. nhận được từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Q. trượt dài trên con đường làm gái mại dâm. Rồi tình cờ, Q. được chị L.T, trưởng nhóm đồng đẳng thuộc Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố hỗ trợ, tuyên truyền về cách bảo vệ sức khỏe, nhất là tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vượt qua những ngại ngùng, tránh né ban đầu, sau khi tâm sự, chia sẻ nhiều lần, Q. quyết đăng ký học nghề làm đẹp, từ bỏ nghề “buôn phấn bán hương”.
Chị L.T là trưởng nhóm gồm 10 đồng đẳng viên. Nhóm đồng đẳng này được thành lập vào tháng 9-2019 trực thuộc Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, sinh hoạt định kỳ 4 lần/tháng. Đến nay, nhóm đã tiếp cận hơn 150 gái bán dâm trên địa bàn, vận động hơn 70 phụ nữ khám sức khỏe sinh sản, tầm soát ung thư, tặng bao cao su, cung cấp kiến thức tự bảo vệ bản thân... Chị L.T chia sẻ, ban đầu, việc tiếp cận các đối tượng đặc biệt này không hề dễ dàng. Chị và các đồng đẳng viên phải xin vào làm ở những nơi người mại dâm hay lui tới như tiệm làm đẹp, massage, gội đầu, từ đó làm quen, tiếp cận và hỗ trợ họ. Nhiều lần như thế, chị L.T đã tạo được lòng tin và từ đó cùng đồng nghiệp tuyên truyền, khuyến khích để chị em chọn con đường tốt hơn như học nghề làm đẹp, cắm hoa... Kinh phí học nghề cho các đối tượng trên được Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội hỗ trợ 100%.
Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố Ngô Văn Sang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tập huấn tăng cường năng lực cho 100% thành viên nhóm đồng đẳng để thực hiện tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng. Nhóm đồng đẳng thực hiện tối thiểu 2 hình thức truyền thông và có ít nhất 100 lượt người bán dâm/năm được truyền thông; 50% người bán dâm được tiếp cận chuyển gửi đến các dịch vụ can thiệp giảm hại cho người bán dâm ở cộng đồng. “Chúng tôi đánh giá nhu cầu của người bán dâm được tiếp cận làm cơ sở xây dựng các hoạt động can thiệp phù hợp với nhu cầu của người bán dâm và khả năng đáp ứng của cơ quan hỗ trợ. Việc đánh giá nhu cầu sẽ được thực hiện tại các buổi tiếp cận, sinh hoạt nhóm.
Đồng thời, kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ, huy động sự tham gia của các cơ quan liên quan cho hoạt động của nhóm”, ông Sang nói. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã thiết kế, in ấn và phát hành tờ rơi tuyên truyền phòng, chống mại dâm; phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; các can thiệp giảm hại cho người bán dâm; giới thiệu địa chỉ, mục tiêu hoạt động, thủ tục nhận chuyển gửi của các dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn thành phố cho các đối tượng trên. Đồng thời, tổ chức 3 buổi tuyên truyền về giảm tác hại và phòng, chống bạo lực tại cộng đồng; hỗ trợ chuyển gửi người bán dâm đến các dịch vụ y tế, trợ giúp pháp lý, hành chính, tư vấn học nghề, học nghề ngắn hạn và việc làm, sinh kế.
Theo ông Sang, từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực, trong đó “không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm, người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính...” thì tình hình tệ nạn mại dâm có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; tệ nạn mại dâm đứng đường xuất hiện trở lại. Một số đường dây gái gọi hình thành và hoạt động hết sức tinh vi, lợi dụng cơ sở kinh doanh dịch vụ, điện thoại di động, internet để tiến hành mua bán dâm, đa số người bán dâm được phát hiện đều là người địa phương khác đến tạm trú.
Trước tình hình đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực nhóm đồng đẳng của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và can thiệp giảm hại phòng, chống bạo lực giới”. Nhìn chung, việc triển khai thực hiện các mô hình thí điểm đã giúp phụ nữ ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình về can thiệp giảm hại, phòng chống bạo lực giới, phòng, chống tệ nạn mại dâm, tạo điều kiện cho họ gần gũi với tiếp cận viên trong những lần gặp mặt sau. Cùng với đó, giảm thiểu tự ti, nêu lên được nguyện vọng bản thân, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm và HIV/AIDS, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
HƯƠNG SEN