Thời gian qua, chính quyền và các cơ quan chức năng Đà Nẵng không ngừng nỗ lực để trao tiền hỗ trợ người dân, người lao động gặp khó khăn do Covid-19 trong hai tháng 8 và 9-2020. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan nên tiền hỗ trợ vẫn chưa sớm đến với người dân.
Người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ tại UBND phường. Ảnh: T.V |
Ngay khi Covid-19 tái bùng phát ở Đà Nẵng, ngày 21-8, UBND thành phố đã có Tờ trình số 5598/TTr-UBND gửi Thường trực HĐND thành phố về việc tiếp tục hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn trong tháng 8 và 9-2020. Ngay trong ngày, Thường trực HĐND thành phố đã có Thông báo số 1090/HĐND-VHXH thống nhất đề nghị của UBND thành phố.
Về phía Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), giữa tháng 8 cũng đã có thông báo gửi đến các doanh nghiệp yêu cầu báo cáo nhanh tình hình lao động, việc làm tại đơn vị để có hướng hỗ trợ phù hợp. Theo đó, vào ngày 10 và 25 hằng tháng, các doanh nghiệp phải có báo gửi về Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ,TB&XH thành phố, thông qua đó, sở có thông tin tham mưu lãnh đạo thành phố trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động, ổn định sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Như vậy, các cấp lãnh đạo thành phố đến Sở LĐ,TB&XH đều sớm chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp để các gói hỗ trợ của Chính phủ lẫn của thành phố kịp thời đến với người dân, tuy nhiên thực tế việc hỗ trợ diễn ra khá chậm.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng LĐ,TB&XH quận Sơn Trà, về gói hỗ trợ trong tháng 8 và 9 của UBND thành phố thì đến đầu tháng 9 mới nhận được Công văn hướng dẫn của UBND thành phố. Ngay sau đó, địa phương bắt tay vào việc khảo sát, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ trong tháng 8 và 9.
Hiện nay, việc triển khai mới ở giai đoạn các địa phương khảo sát lập danh sách người dân trong diện được hỗ trợ gửi về UBND quận. Sau bước này, UBND quận mới kiểm tra từng hồ sơ, thành lập đoàn khảo sát xuống các phường kiểm tra thực tế một lần nữa. Hoàn tất các việc kể trên, UBND quận sẽ lập danh sách gửi về các địa phương và niêm yết danh sách tại trụ sở các UBND phường để người dân xem và phản hồi ý kiến (nếu có), sau đó gửi danh sách này về Sở LĐ,TB&XH xem xét trình UBND thành phố. Hoàn tất các công đoạn này, nhanh nhất cũng mất từ 1,5 đến 2 tháng.
Cũng gặp vấn đề tương tự, theo một cán bộ của Phòng LĐ,TB&XH quận Hải Châu, đến nay, các phường đang triển khai thành lập các tổ để lên danh sách người dân cần hỗ trợ trong tháng 8 và 9-2020, nhanh nhất cũng đến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 thì tiền mới đến tay người cần hỗ trợ. Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh không mấy mặn mà hợp tác với Sở LĐ-TB&XH trong việc cập nhật báo cáo về tình hình lao động, việc làm tại đơn vị mình.
Ông Võ Văn Tiếng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ,TB&XH thành phố cho biết, đến nay, sở vẫn chưa nhận được bất cứ báo cáo nào của các doanh nghiệp trên địa bàn thông tin về tình hình lao động tại đơn vị mình. Hiện chỉ có Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng hẹn sẽ “sớm có báo cáo”, còn lại, các doanh nghiệp hoàn toàn im ắng.
Theo báo cáo nhanh của Sở LĐ,TB&XH, tính đến ngày 10-9, gói hỗ trợ đợt 1 (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ), thành phố đã hoàn thành hỗ trợ cho 116.966 người, tổng kinh phí hơn 124 tỷ đồng. Với nhóm đối tượng đặc thù (theo Nghị quyết 298/NQ-HĐND ngày 22-5 của HĐND thành phố) cũng đã hoàn thành việc hỗ trợ cho 2.528 người với kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng.
Riêng với gói hỗ trợ đợt 2 (gói hỗ trợ riêng của thành phố cho người dân gặp khó khăn do Covid-19, trong tháng 8 và 9-2020) dự kiến khoảng 120 tỷ đồng đã sẵn sàng. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, đặc biệt là từ thực tế gói hỗ trợ đợt 1 cho thấy, để khoản hỗ trợ trên đến với người dân cần nhiều thời gian do phải tuân thủ các quy định ràng buộc để tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng.
Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH thành phố Thái Đình Hoàng cho biết, sở đã nắm tình hình và có ý kiến thống nhất với các địa phương triển khai một số biện pháp đẩy nhanh tiến độ để tiền hỗ trợ sớm đến với người dân. Theo đó, trước mắt, các địa phương ưu tiên lập danh sách hỗ trợ trước cho nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người già, người khuyết tật, ốm đau...
Đây là nhóm đối tượng đã được lập danh sách khi triển khai gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, bây giờ địa phương chỉ cần rà soát lại. Để giải quyết sớm cho đối tượng là người lao động bị mất việc, các địa phương buộc phải tăng cường nguồn nhân lực từ các bộ phận, động viên cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ này làm thêm giờ để sớm hoàn tất hồ sơ trợ cấp. Bằng cách này, tiền hỗ trợ đợt 2 của thành phố mới sớm đến được các đối tượng cần hỗ trợ, giúp người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
THANH VÂN