Kể từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp thành phố đã tích cực tháo gỡ những vướng mắc, bắt tay ngay vào việc thực hiện nhiệm vụ mới là áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án mà trọng tâm là áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc. Công tác xử lý hành chính áp dụng cai nghiện bắt buộc được thực hiện có hiệu quả, được TAND Tối cao đánh giá cao và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Cảnh, Chánh án TAND thành phố Đà Nẵng (bên trái, hàng đầu) nhận cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2020” của Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: P.V |
Từ năm 2014 đến năm 2020, TAND hai cấp thành phố đã ra quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc 6.085 trường hợp. Thời gian giải quyết hồ sơ cai nghiện bắt buộc tại tòa án trung bình từ 8 đến 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận, thụ lý (giảm được từ 5 đến 7 ngày so với quy định). Có được kết quả đó là nhờ quyết tâm chính trị cao của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND hai cấp trong việc thực hiện nhiều giải pháp, kinh nghiệm quan trọng, trong đó có các yếu tố quan trọng sau đây:
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND thành phố tổ chức quán triệt đến Thẩm phán, Thư ký TAND hai cấp Luật Xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND; Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 10-1-2014 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc; Nghị định số 221/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy, bắt buộc chữa bệnh; Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 20-8-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố”; Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 6-9-2014 của UBND thành phố về việc ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Qua đó, cấp ủy, lãnh đạo TAND hai cấp xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước giao nhằm đưa công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung, xử lý đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc nói riêng bảo đảm đúng pháp luật, vừa góp phần bảo vệ trật tự trị an, vừa bảo đảm các quyền lợi chính đáng của đối tượng bị đề nghị xử lý hành chính.
Về công tác phối hợp, trong thời gian đầu, hoạt động xử lý vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, trong khi đối tượng vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện nhiều nhưng chưa xử lý được. Để tháo gỡ khó khăn này, TAND thành phố đã chủ động tham mưu cho Thành ủy các nội dung chỉ đạo chính quyền các cấp vào cuộc một cách quyết liệt. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 20-8-2014 về việc “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Có thể nói đây là chỉ thị có tác động mạnh mẽ, nâng cao quyết tâm chính trị cho các cơ quan hữu quan các cấp trên địa bàn thành phố tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trọng tâm là việc xem xét đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc. Bên cạnh đó, TAND thành phố chủ động tham mưu cho UBND thành phố xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan ban hành kèm theo Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND để thực hiện trên địa bàn. Từ đó, quy trình xử lý tại TAND hai cấp đều được rút ngắn từ 5 đến 7 ngày nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị xử lý hành chính. Khi triển khai ở cấp quận, huyện, UBND các quận, huyện đều thực hiện theo chỉ đạo chung của UBND thành phố và liên ngành thành phố.
Về xác định người nghiện ma túy, liên ngành thành phố Đà Nẵng thống nhất hướng dẫn để các y, bác sĩ làm việc tại trạm y tế, trung tâm y tế quận, Bệnh viện tâm thần, Phòng Y tế của Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 thành phố Đà Nẵng được tập huấn và cấp chứng chỉ điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy và được quyền xác định tình trạng của người nghiện khi cơ quan lập hồ sơ có yêu cầu. Đối với những hồ sơ sau khi TAND nhận mà chưa bảo đảm về thủ tục hoặc chưa đầy đủ chứng cứ thì yêu cầu cơ quan đề nghị bổ sung. Hầu hết hồ sơ đều được bổ sung trong thời hạn và bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật nên chưa có trường hợp nào TAND trả hồ sơ hoặc khi mở phiên họp xét không chấp nhận việc đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do vi phạm trình tự thủ tục.
Nhìn chung, hầu hết các thủ tục xây dựng hồ sơ xét đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đã thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao nên hồ sơ xây dựng thời gian nhanh và đầy đủ các chứng cứ thông tin cần thiết theo quy định. Kết quả đã giảm tỷ lệ người nghiện ma túy trong cộng đồng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
NGUYỄN THỊ CẢNH
Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng