Thời tiết nắng nóng dễ khiến cho các loại thực phẩm ôi thiu, biến chất, dẫn đến nguy cơ ngộ độc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, các trường mầm non và người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh, buôn bán… quan tâm đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đoàn thanh tra Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố kiểm tra chất lượng thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận Hải Châu. (Ảnh: Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cung cấp) |
Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các trường mầm non
Các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố đón trẻ trở lại trường được hơn một tháng. Bên cạnh vấn đề phòng, chống dịch, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho các em được nhiều phụ huynh quan tâm. Do đó, các trường luôn chú trọng xây dựng khẩu phần, chế độ dinh dưỡng, thực hiện nghiêm khâu chế biến, tổ chức bữa ăn.
Cô Nguyễn Thị Minh Thành, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Yến (quận Sơn Trà) cho biết, trường có tổng số 400 trẻ đang theo học và đa số các em đều ăn bán trú. Vì vậy, công tác quản lý vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP từng bữa ăn cho các em luôn được nhà trường theo dõi chặt chẽ. Nhà trường ưu tiên chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm và mang đến cho các em những bữa ăn an toàn, ngon miệng. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất tại bếp ăn và trong bữa ăn của trẻ.
Chất lượng vệ sinh ATTP liên quan đến nhiều khâu và đòi hỏi sự quản lý sát sao, phối hợp chặt chẽ của phụ huynh và giáo viên. Theo cô Nguyễn Lệ Vy Na, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 (quận Hải Châu), bếp ăn của trường được chia làm hai khu vực: bếp sơ chế và bếp chế biến (nấu chín). Hằng ngày, ban giám hiệu họp duyệt thực đơn và phân công nhân viên cấp dưỡng chế biến món ăn.
“Trong quá trình chế biến, nhân viên nhà bếp luôn tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh ATTP. Việc tổ chức những bữa ăn ngon, đa dạng có thể khiến các bé cảm thấy hứng thú, thoải mái khi ăn uống hơn. Do đó, để duy trì được những bữa ăn ngon cho trẻ, việc bảo đảm ATTP không thể lơ là, chủ quan”, cô Na khẳng định.
Trưởng ban Quản lý ATTP thành phố Nguyễn Tấn Hải cho biết, với chức năng của mình, Ban Quản lý ATTP thành phố thường xuyên phối hợp, có văn bản gửi các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh ATTP tại trường học. Cuối năm 2021, ban tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về ATTP cho khoảng 200 nhân viên cấp dưỡng của các trường mầm non, tiểu học 7 quận, huyện. Nội dung tập huấn về điều kiện bảo đảm ATTP và công tác phòng, chống Covid-19 tại bếp ăn tập thể của các trường học; các biện pháp để có thực phẩm an toàn, nguyên tắc trong chế biến thực phẩm; lưu mẫu thực phẩm.
Lựa chọn thực phẩm an toàn
Chia sẻ kinh nghiệm nội trợ, chị Nguyễn Thị Thùy Oanh (sinh năm 1985) phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, cho biết: “Tôi có thói quen lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc và có nhãn mác tại những cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, nếu mua thực phẩm ở chợ thì tôi thường mua vào buổi sáng sớm, lúc ấy các loại thực phẩm như: rau, hoa quả, các loại thịt sẽ được tươi ngon. Bên cạnh đó, trong khâu chế biến thực phẩm thì tôi luôn chú ý việc nấu chín và bảo quản thực phẩm đúng cách sẽ tránh được nguy cơ thực phẩm ôi thiu, gây ngộ độc.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Quý (sinh năm 1990) phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cho rằng, thời tiết nắng nóng dễ làm thực phẩm biến chất, nên khi nấu chín thì người nội trợ cần bảo quản thực phẩm đúng cách, khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cần đựng thực phẩm vào các hộp riêng biệt, tránh tình trạng để lẫn thực phẩm sống và thực phẩm chín. “Tôi hạn chế sử dụng thực phẩm đã chế biến sẵn không rõ nguồn gốc, các loại thức ăn bán ở đường phố không được bảo quản, che đậy cẩn thận”, chị Quý nói.
Quận Liên Chiểu có đông công nhân, sinh viên, người lao động đến sinh sống và làm việc. Phó Trưởng phòng Y tế quận Liên Chiểu Ngô Văn Dũng cho biết, trong quý 1-2022, Đoàn kiểm tra liên ngành về chất lượng vệ sinh ATTP tuyến quận (Phòng Y tế, Phòng Kinh tế, Ban quản lý chợ trên địa bàn quận) đã tổ chức kiểm tra trong tháng cao điểm về ATTP dịp Tết Nhâm Dần và mùa lễ hội năm 2022.
Tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, các nông sản thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát, các cơ sở sản xuất kinh doanh gia vị, phụ gia thực phẩm, cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn; các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết; các sản phẩm từ thịt; đặc biệt tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng hàn the trong sản phẩm chả.
Ông Nguyễn Tấn Hải khuyến cáo, trong mùa nắng nóng, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe gia đình, người sử dụng thực phẩm nên thực hiện theo 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm. Trong đó, chú trọng việc lựa chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín; đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ tay sạch sẽ để chế biến thực phẩm; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch để ăn uống. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất cần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ và tuân thủ quy trình chế biến.
Tổ chức 11 cuộc thanh tra chuyên ngành
Dự kiến năm 2022, Phòng Công tác thanh tra (Ban Quản lý ATTP thành phố) sẽ tổ chức 11 cuộc thanh tra chuyên ngành theo chương trình kế hoạch đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Hải Châu. “Chúng tôi chủ trì, phối hợp các Đội quản lý ATTP sẽ tổ chức 20 cuộc thanh tra chuyên ngành theo chương trình kế hoạch đối với 1.435 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, phối hợp UBND quận, huyện thanh tra toàn bộ các cơ sở bếp ăn tập thể thuộc tuyến quận quản lý, nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Hải nói.
|
X.DŨNG - K.PHƯƠNG - N.QUANG