Bảo hiểm xã hội tự nguyện: "Của để dành" cho người lao động

.

Thực hiện Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH thành phố phối hợp Bưu điện thành phố tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân lao động, đặc biệt là các đối tượng chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm bảo đảm lợi ích của người tham gia khi đến tuổi nghỉ hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đinh Văn Hiệp (thứ 6, bên trái sang) phát động thực hiện Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Ảnh: N.Q
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đinh Văn Hiệp (thứ 6, bên trái sang) phát động thực hiện Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Ảnh: N.Q

Giám đốc BHXH thành phố Đinh Văn Hiệp chia sẻ, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH, đẩy mạnh việc tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình và Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 9-2-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự chỉ đạo trong công tác BHXH và BHYT trên địa bàn thành phố, BHXH thành phố đẩy mạnh thực hiện vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong đó, tập trung hướng đến nhóm đối tượng nông dân, tiểu thương, công nhân, người lao động tự do… nhằm giúp người tham gia thụ hưởng mức lương hằng tháng khi đến tuổi hưu, đồng thời được cấp thẻ BHYT miễn phí nếu không may bị ốm đau, bệnh tật.

Được cán bộ cơ quan BHXH quận Liên Chiểu tuyên truyền, giải thích rõ về mức đóng và quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, chị Nguyễn Thị Ngọc Quý (SN 1990), tiểu thương buôn bán tại chợ Hòa Khánh quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Chị Quý chia sẻ: “Trước đây tôi chưa hiểu rõ về quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện nên bản thân e dè không dám tham gia. Sau khi được cán bộ cơ quan BHXH quận nhiệt tình giải thích, tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện kể từ tháng 5-2022 để bảo đảm quyền lợi cho bản thân khi đến tuổi nghỉ hưu. Tôi xem đó như “của để dành” khi mình không còn đủ sức lao động.”

Trong khi đó, anh Lê Văn Dũng (SN 1989) trú phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) muốn tham gia BHXH tự nguyện từ rất sớm nhưng lại không có thời gian để tìm hiểu về quyền lợi và mức đóng. Nhờ được tuyên truyền thông qua kênh zalo do BHXH quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Ban quản lý các chợ Ngũ Hành Sơn lập, anh Dũng đã nhanh chóng tiếp cận thông tin về mức đóng và quyền lợi khi tham gia. Sau khi tìm hiểu, anh Dũng liên hệ với cán bộ phụ trách của cơ quan BHXH và được tư vấn, hỗ trợ thủ tục tham gia BHXH. “Chỉ chưa đầy 30 phút, mọi thủ tục đăng ký tham gia BHXH tự nguyện của tôi đã được hoàn tất, rất nhanh và tiện lợi”, anh Dũng nói.

Giám đốc BHXH quận Ngũ Hành Sơn Hoàng Thị Kim Hoa cho biết, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng xe tuyên truyền, băng rôn, hệ thống loa phát thanh…, BHXH quận phối hợp Ban quản lý các chợ quận Ngũ Hành Sơn lập kênh zalo kết nối hàng ngàn tiểu thương đang buôn bán tại các chợ thuộc 4 phường trên địa bàn. Mặt khác, BHXH quận tiếp tục xây dựng kịch bản tuyên truyền riêng đến công nhân, thợ đá làm việc tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước… nhằm tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHXH.

Theo ông Đinh Văn Hiệp, khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia không chỉ được hưởng lương hưu khi về già mà còn được cấp thẻ BHYT miễn phí để khám chữa bệnh nếu không may bị ốm đau, bệnh tật; quyền được Nhà nước hỗ trợ mức đóng khi tham gia theo mức chuẩn hộ nghèo (tối thiểu 10%, tối đa 30%); lương hưu được điều chỉnh theo Chỉ số giá tiêu dùng; được nhận BHXH 1 lần nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu; thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng và chế độ tử tuất khi người tham gia BHXH qua đời...

“Thời gian tới, BHXH thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thu hút người tham gia, đặc biệt là nông dân, công nhân và lao động khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó, BHXH tại các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia phù hợp với đặc thù của địa phương để hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện một các linh hoạt, nhanh chóng nhất. Theo kế hoạch năm 2022, BHXH thành phố sẽ nỗ lực đạt con số hơn 21.500 người tham gia BHXH tự nguyện”, ông Hiệp nói.

Người đủ từ 15 tuổi có thể tham gia BHXH

Theo khoản 4, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Về mức đóng BHXH tự nguyện, căn cứ quy định tại Điều 10, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, mức đóng BHXH hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 1.500.000 đồng/tháng), cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 29.800.000 đồng).

Tại khoản 1, Điều 9, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, người tham gia được chọn phương thức đóng hằng tháng; đóng 3 tháng một lần; đóng 6 tháng một lần; đóng 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.