Sau 47 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đặc biệt là sau 25 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, quận Hải Châu được xác định là khu vực trung tâm phát triển của Đà Nẵng.
Đô thị quận Hải Châu phát triển nhanh, vươn lên mạnh mẽ. TRONG ẢNH: Một góc đô thị quận Hải Châu nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Diện mạo đô thị khang trang
Trong vô vàn khó khăn, thách thức của những năm đầu sau giải phóng, công trình khu tập thể Hòa Cường được xây dựng vào đầu những năm 1980 với cơ sở hạ tầng khu dân cư (KDC) tương đối hoàn chỉnh. Dù còn một số bất cập nhưng cũng mở ra hướng đột phá quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị của thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Hải Châu nói riêng. Vào tháng 3-1985, thành phố tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng công trình Nhà hát Trưng Vương, Trung tâm Thương nghiệp dịch vụ Đà Nẵng (chợ Cồn). Sau đó 5 năm, chợ Hàn, chợ Hòa Thuận, chợ Mới được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Năm 1995, thành phố có chủ trương xây dựng tuyến đường Đông - Tây (Nguyễn Văn Linh hiện nay) và xây dựng các KDC Thạc Gián, Vĩnh Trung và Nam Dương, trong đó có 385 hộ dân thuộc phường Nam Dương giải tỏa để chỉnh trang đô thị. Cũng trong năm 1995, đường Hoàng Diệu, Quang Trung được mở rộng và nâng cấp; khu vực Đầm Rong bắt đầu được cải tạo...
Sau khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, quận Hải Châu vận động nhân dân xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng đô thị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo đó, tiến hành mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường lớn như: Đống Đa, Lê Duẩn, Nguyễn Thiện Thuật… và bê-tông hóa đường kiệt, hẻm; xây dựng mương, cống thoát nước trong các KDC. Cùng với đó, thành phố triển khai giải tỏa, xây dựng các KDC mới theo quy hoạch như: Khuê Trung, Hòa Cường, Hòa Thuận, Thuận Phước, Thanh Bình… và những tuyến đường lớn như đường 2 Tháng 9, Nguyễn Tất Thành, cầu Sông Hàn…
“Người dân có tinh thần đồng thuận cao, sẵn sàng hiến đất để mở đường, giải tỏa, di dời đến nơi ở mới để bàn giao mặt bằng xây dựng công trình. Chúng tôi vận động dân giải tỏa, di dời xây dựng đường Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Chí Thanh, Yên Bái, người dân phấn khởi lắm. Có nhiều công trình vận động dân giải tỏa rất nhanh, thậm chí rút ngắn hơn 30% thời gian giải tỏa và không phải cưỡng chế trường hợp nào”, nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hải Châu Kiều Văn Toàn nói.
Diện mạo đô thị của quận ngày càng khang trang, rộng mở với khu đô thị trung tâm được nâng cấp phát triển, kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ. Trên địa bàn quận, nhiều tuyến đường lớn được chỉnh trang mới và xây dựng thêm 5 cây cầu đẹp nối đôi bờ sông Hàn là: cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Tiên Sơn cùng với những công trình giao thông mới như: nút giao thông (hầm chui) phía tây cầu Sông Hàn, nút giao thông (cầu vượt và hầm chui) phía tây cầu Trần Thị Lý. Nhiều khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cao tầng được xây dựng và đưa vào hoạt động. Đồng thời hình thành nhiều tuyến phố kinh doanh sầm uất, hiện đại như: Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Lê Duẩn, Bạch Đằng, 2 Tháng 9, Hùng Vương… Đặc biệt, sau ngày giải phóng, trên địa bàn quận chỉ có 33 tuyến đường, nay có đến 300 tuyến đường đã được thảm bê-tông nhựa và đặt tên.
Xây dựng đô thị nén, quảng trường trung tâm, bảo tàng sống
Cũng theo UBND quận Hải Châu, trong tổng thể đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quận Hải Châu được xác định là khu vực trung tâm phát triển của Đà Nẵng, địa bàn trọng điểm về phát triển đô thị, kinh tế, văn hóa… Theo đó, khu vực trung tâm đô thị gắn liền với trung tâm thành phố được xác định với diện tích khoảng 631ha, bao gồm khu vực hành chính cốt lõi nằm tại quận Hải Châu.
Hiện quận đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp tái thiết các khu đô thị cũ tại 4 vị trí. Đồng thời, quận cũng mở rộng các tuyến đường có mặt cắt lòng đường dưới 4m, cải tạo, đầu tư, nâng cấp kiệt, hẻm; xây dựng thêm các bãi đỗ xe ngầm, nổi, thông minh; đầu tư xây dựng mới các công viên, vườn dạo và thiết chế văn hóa cho người dân... Đặc biệt, quận Hải Châu được định hướng hình thành đô thị nén, khai thác hiệu quả các dịch vụ và cơ sở hạ tầng; tạo ra một trung tâm thành phố có giao thông thuận lợi, thân thiện. Đồng thời, xây dựng công trình ngầm nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất khu vực trung tâm thành phố, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng. Khu vực trung tâm thành phố được xác định mục đích sử dụng đất đa năng với đặc trưng phần lớn là đất đơn vị ở kết hợp thương mại dịch vụ…
Quận Hải Châu sẽ là điểm nhấn cho đô thị Đà Nẵng với quảng trường trung tâm gắn với di tích Thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng, Trung tâm Hành chính thành phố.... Bên cạnh đó, cũng sẽ hình thành một bảo tàng sống với những địa điểm đặc trưng như: Đình làng Hải Châu, chợ truyền thống…, kết nối với quảng trường trung tâm, công viên, nhà thờ, nhà hát… “Theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đình làng Hải Châu là trái tim của bảo tàng sống của thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, quận đang phối hợp các sở, ban, ngành thành phố để lập các quy hoạch phân khu trên địa bàn quận và khu vực bảo tàng sống này”, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho biết thêm.
HOÀNG HIỆP