Xây dựng môi trường kinh doanh thực phẩm an toàn

.

Để thu hút du khách, Đà Nẵng xác định sẽ đưa ẩm thực trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh ăn uống an toàn để thu hút du khách trong và ngoài nước. Du khách, nhất là khách nước ngoài ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phố đang bước vào những tháng cao điểm nắng nóng, thực phẩm vào mùa này cũng dễ bị hư hỏng, do đó, nhiều nhà hàng chú trọng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Qua ghi nhận tại một số điểm phục vụ ăn uống như nhà hàng Draft Beer (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà), tại khu bếp, những món ăn được sơ chế trước như hành phi, cơm chiên, kim chi… đều được đựng trong thau inox và bọc bằng màng bọc thực phẩm; chén bát sau khi rửa được đưa vào máy hấp sấy khô và đậy cẩn thận; khu vực chứa rau xanh là khu riêng biệt, sử dụng điều hòa đúng nhiệt độ để giữ chất lượng rau…

Đầu bếp Nguyễn Quang Triều bày tỏ, đội ngũ đầu bếp nhà hàng luôn ý thức vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi chỉ cần một du khách bị ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch của thành phố. Tương tự, tại nhà hàng Tháp Beer (đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà), không chỉ mặt tiền của quán mà khu bếp rất sạch sẽ.

Ông Hồ Ngọc Bình (chủ quán) cho biết, nếu mỗi người dân là một đại sứ du lịch thì mỗi chủ nhà hàng cũng góp tay xây dựng hình ảnh thành phố Đà Nẵng an toàn, mến khách bằng chính sự sạch sẽ, an toàn từ khu bếp của mình. Quán chuyên kinh doanh hải sản và thịt bò nhập khẩu, trong đó, hải sản được nhập mới mỗi ngày từ ngư dân địa phương, thịt bò nhập có hóa đơn chứng từ đầy đủ; thực phẩm sơ chế sẵn được bao gói kín; sử dụng nước thủy cục để chế biến món ăn; khu bếp phân chia khu vực thực phẩm sống - chín riêng biệt…

Với nhà hàng, quán cà phê, bên cạnh chất lượng món ăn, thức uống, thái độ phục vụ là yếu tố quan trọng để giữ chân du khách. Ngoài các nhà hàng, hộ kinh doanh, cơ sở ăn uống, các tiệm trà sữa, trà chanh, ăn vặt cũng là loại hình ẩm thực thu hút người dân địa phương cũng như khách du lịch. Loại hình kinh doanh này theo phân cấp do tuyến quận/huyện, phường/xã quản lý, tạo sinh kế cho bộ một phận người dân, nhưng do tính chất nhỏ lẻ và tự phát nên tính chuyên nghiệp, ổn định về an toàn thực phẩm chưa như mong đợi. Tuy nhiên, theo đánh giá từ Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, hiện các địa phương đã quan tâm đến loại hình kinh doanh này và chủ động tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở.

Nhằm góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thực phẩm an toàn, Ban quản lý cũng liên tục tổ chức tập huấn, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh tuân thủ vệ sinh tốt trong chế biến; trong đó tăng cường công tác kiểm tra các địa điểm tập trung đông người dân, khách du lịch và có nhiều khu ăn uống như: khu phố chợ đêm Sơn Trà (quận Sơn Trà), phố du lịch An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn), điểm cập cảng các tàu du lịch (quận Hải Châu) và xây dựng phương án xử lý khi có sự cố an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua hình thức tọa đàm với doanh nghiệp về chủ đề “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, xu thế tất yếu của tương lai”.

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, các ngành chức năng cần thường xuyên thực hiện công tác thanh, kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm…; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức, quy định của Luật An toàn thực phẩm đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết giúp người dân biết lựa chọn thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc bởi thực phẩm giả, kém chất lượng.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.