Báo giới trước Cách mạng Tháng Tám

.

Gần một thế kỷ trước, cả làng báo ở các đô thị Việt Nam, số lượng nhật báo chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, vì chưa có nhiều nhà báo có khả năng làm nhật báo với đòi hỏi về vốn, về tổ chức tòa soạn… Nhưng quan trọng hơn là bởi những hạn chế về tự do ngôn luận của nhà cầm quyền thực dân…

Vài tờ báo quốc ngữ những năm 1930. Ảnh: T.Đ.T
Vài tờ báo quốc ngữ những năm 1930. Ảnh: T.Đ.T

Đến khi Toàn quyền Robin sang nhậm chức ở Đông Dương, Ty kiểm duyệt báo chí Đông Dương bị bãi bỏ, báo hằng ngày bắt đầu đông dần lên ở cả Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh. Đến tháng 9-1935, ở Sài Gòn bên cạnh tờ Sài gòn của Nguyễn Đức Nhuận được tục bản sau gần một năm bị đình bản, còn có các tờ Đuốc Nhà Nam của Nguyễn Văn Sâm (thay Nguyễn Phan Long), nhật báo Việt Nam báo của Nguyễn Phan Long làm chủ bút; tại Hà Nội có thêm tờ Hà Nội báo của chủ nhà in Lê Cường và tờ Chân Lý của Phan Thiên Luân ở Huế… đã làm cho đội ngũ nhật báo cả nước tăng lên đáng kể…

Báo chí phải kiến thiết, tạo ra những món ăn tinh thần mới lạ

Theo dõi hoạt động làng báo ở các đô thị đương thời, tác giả N.V.Hoa viết trên Trung Bắc Tân văn chủ nhật nhận xét: “Ở Hà Nội, hiện có 4 tờ báo hằng ngày giống in nhau. Thực ngấy. Làm sao họ không làm khác nhau đi một chút?”. Các nhà làm báo, dưới mắt tác giả là cứ nhai lại các công thức đã có sẵn, tờ báo nào cũng giống nhau, họ không chịu nghĩ ngợi gì cả. Một tờ báo Nhật Bản đương thời, tờ Nichi-Nichi được dẫn trong bài viết cũng nhận định: “Báo chí ở Đông Dương không có gì đáng nói. Về ấn loát thì xấu mà về nội dung thì tin tức không có gì lạ cả!” (Trung- Bắc).

N.V.Hoa còn tường thuật câu nói điển hình của một chủ nhật báo tại một buổi gặp mặt: “Đừng tưởng (làm nhật báo) là dễ ăn, cứ có học, có văn chương là được. Không, không, không. Tôi chẳng cần gì cả. Tôi chỉ cần tin tức cho nhiều thôi, bất cứ tin gì cũng được. Bởi vì đa số độc giả chỉ đủ kiến thức để đọc những tin vặt mà thôi. Đừng cho họ xem gì cả, chỉ cho họ xem tin tức…”.

Tác giả T.Quy cũng của tờ Trung Bắc nhận định: Độc giả báo hằng ngày vẫn đọc báo như món ăn tinh thần không thể thiếu được, nhưng nhật báo cần phải tìm những món ăn mới lạ cho tâm hồn họ. Họ muốn xem tin tức, nhưng không phải bất cứ tin tức gì. Dân tộc này phải chen bước được với năm châu, vì vậy báo chí phải nghĩ ngợi, phải kiến thiết, phải tạo ra những món ăn tinh thần mới lạ. “Báo hằng ngày không thể cứ đứng một chỗ hay đi theo độc giả. Báo phải là bạn, phải đi ngang với độc giả, không nên hại độc giả, cứ tìm cách dìm người ta đứng một chỗ…”.

Trong khi đó, báo Khuyến Học lại nêu ra một thực trạng khác: tình trạng bán và cho thuê giấy phép ra báo ở cả Hà Nội và Sài Gòn sau những chính sách bỏ kiểm duyệt, cho phép ra báo tư nhân dễ dãi hơn dưới thời toàn quyền Robin: “Gần đây, nhà thức giả nào đã để ý đến việc này đều hiểu rằng hiện nay có nhiều kẻ lợi dụng thời cơ, xin phép ra báo, rồi, nào có đủ tài lực cho nó ra đâu - hay là cố ý xin cho được cái tên - đem đi cho kẻ khác thuê tháng, thuê năm., như…nhường lại một cửa hàng!”, bài báo kết luận:“Giá trị của báo quốc ngữ một phần cũng bởi đó mà kém lần”.

Trên các báo Tràng An, Tin Văn lúc đó cũng có nhiều ý kiến của các tác giả Trúc Đỳnh, Thái Phỉ nêu thực trạng của nền báo chí đương thời ở các đô thị. Thái Phỉ trên Tin Văn cho biết: “…Phần nhiều các ông chủ báo không có mục đích gì ngoài mục đích buôn bán miễn là báo bán ra được nhiều, lợi thu vào lớn, còn văn viết trên báo thế nào cũng mặc”. Các nhà văn lúc đó phần nhiều đều làm báo, “Nhưng ông nào cũng sống cái đời vất vưởng…quốc ngữ chưa được phổ thông, báo làm ra bán không chạy, các ông lo sống còn chưa xong hơi đâu mà nghĩ đến việc xa xôi khác…” (Thái Phỉ - Tin Văn số 2).

Đòi hỏi tự do ngôn luận

Tuy vậy, những khía cạnh nêu trên chỉ là một mặt của vấn đề, bởi bên cạnh đó vẫn có nhiều tờ báo, nhiều nhà báo tâm huyết với tiền đồ của dân tộc mà báo Tiếng Dân, Tràng An ở Huế là tờ báo điển hình với sự có mặt của nhiều nhà báo tiến bộ lúc bấy giờ, trong đó có Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Quý Hương, Đào Duy Anh...

Nhà báo Nguyễn Quý Hương viết trên Tiếng Dân: “Về phần báo giới quốc văn, ngày trước phải theo chế độ kiểm duyệt. Chế độ ấy đã được quan toàn quyền Robin bãi bỏ từ 1-1-1935, tuy nhiên theo các sắc lệnh hiện hành thì tình hình báo chí quốc văn cũng không hơn gì hồi chưa bỏ kiểm duyệt” (Tiếng Dân số 965).

Tuần báo Khuyến học ở Hà Nội cũng đưa tin hai tờ Ngọ báo và Phong hóa phải đình báo trước rồi mới có nghị định ra sau và mô tả: “Một buổi sáng lúc nhà báo đang rộn rịp làm việc để buổi trưa báo ra như các ngày thường, bỗng thấy một viên Cẩm mật thám chính trị vâng lệnh quan Thủ hiến địa phương bảo cho biết rằng phải đình bản. Thế là tờ báo hôm ấy không ra được nữa, mà chính nhà báo cũng không rõ là đình bản vì lẽ gì và trong thời hạn bao lâu vì không có nghị định của quan toàn quyền…” (Khuyến học số 15-9-1935).

Một số nhật báo 3 miền

thời kỳ 1930-1940:

Tại Huế:

- Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng từ 2 kỳ lên 4 kỳ/tuần (từ 1927-1943)

- Chân Lý của Phan Thiên Luân, giấy phép cấp tháng 1.1936

Tại Hà Nội:

Dân Sinh của Lê Ngọc Vũ

Đông Phương, ra 2 kỳ/tuần từ 1932

Thời Báo, từ năm 1932

Thực Nghiệp Dân báo

Thanh Niên của Ngạc Văn Đồng, ra thứ Hai, thứ Sáu hằng tuần.

Hà Nội báo của Lê Cường, từ năm 1935

Tiểu thuyết của Vũ Đình Chung từ tháng 1-1936

Tại Sài Gòn:

Điển Tín của Lê Trung Cang, Bùi Thế Mỹ

Đuốc Nhà Nam của Nguyễn Văn Sâm

Việt Nam báo của Nguyễn Phan Long

Việt Dân của Đặng Thúc Liễng

Sài Gòn báo của Nguyễn Đức Nhuận

Tại Sa Đéc:

Tân Tiến của bác sĩ Lê Quang Trình (ra thứ Tư, thứ Bảy)

Cho đến khi báo giới tổ chức hội nghị Trung kỳ để đòi tự do ngôn luận và lập nghiệp đoàn báo giới (tháng 3-1937), trên cả 3 kỳ đã có 11 tờ báo bị thu hồi giấy phép hoặc đình bản; trong đó có báo Nhành Lúa của Hải Triều ở Huế. Riêng  tờ Le Travail ấn hành ở Hà Nội lại bị cấm lưu hành ở Trung Kỳ!

Ở Hà Nội, nhà văn Vũ Bằng cũng kể ra hàng hoạt vụ mật thám ném đá giấu tay để chia rẽ những người làm báo chân chính và yêu nước thời ông làm các tờ Công Dân, Tương Lai và các đồng nghiệp Le Travail: “bọn tay sai của mật thám nằm vùng trong báo đã bán đứng chúng tôi để ăn mày một chút danh vọng…” (40 năm nói láo, trang 109)…

Tháng 11-1936, Tiếng Dân đăng xã luận “Ngôn luận tự do ở Đông Dương”: “Báo giới quốc văn chúng tôi ngày nay chung một nguyện  vọng là yêu cầu được hưởng cái luật chung như báo giới bên chính quốc”. Các báo Nhành Lúa của Hải Triều ở Huế, Tiểu thuyết Thứ 5 và nhiều nhật báo, tuần báo ở Hà Nội, Sài Gòn đã nhiệt liệt hưởng ứng. Kết quả của phong trào vận động tự do ngôn luận của báo chí quốc văn đã đưa đến hội nghị báo giới Trung kỳ (3-1937), hội nghị của 200 nhà báo Bắc kỳ (6-1937), Hội ái hữu báo giới Bắc Kỳ (3-1938) do Nguyễn Văn Luận, Trần Huy Liệu lãnh đạo, hội nghị báo giới Nam Kỳ (8-1939) tại Sài Gòn…

Đó là những bước đi quan trọng của làng báo Việt Nam trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công với bức tranh nhiều màu đối lập và không ít những thăng trầm…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.