Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố ghi nhận tình trạng người lao động đến làm thủ tục nhận BHXH một lần. Thực tế này cũng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là thời điểm trong và sau Covid-19. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định rút BHXH một lần, bởi có nhiều hệ lụy, quyền lợi sau này không được bảo đảm.
Người lao động cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi rút bảo hiểm xã hội một lần. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty TNHH May mặc Whitex Việt Nam (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng) đang làm việc. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Chị Lê Thị Q. (34 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) là công nhân một nhà máy chế biến thủy sản tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) đã tham gia BHXH được 9 năm. Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, đơn hàng của công ty không xuất khẩu ra nước ngoài như các năm trước, buộc công ty phải cắt giảm công nhân và sau đó ngừng hoạt động một thời gian dài. Vừa rồi chị Q. làm thủ tục rút BHXH một lần. “Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa đi làm lại vì công ty vẫn chưa cần người lao động. Số tiền rút được không biết là bao nhiêu nhưng nó cũng giúp gia đình trang trải trong giai đoạn mới và thực hiện một số dự định buôn bán, kinh doanh nhỏ”, chị Q. cho biết.
Tương tự, anh Nguyễn Văn D. (38 tuổi, quê Quảng Bình, trú tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh đã gần 15 năm. Anh vừa quyết định rút BHXH một lần để lấy vốn mở quán ăn phục vụ sinh viên, công nhân. “Công ty tôi làm đã giải thể do dịch bệnh, sau đó tôi chuyển ra làm lao động tự do trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp. Biết rút BHXH một lần là thiệt thòi như không được hưởng lương hưu khi về già cũng như chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) liên quan nhưng vì là trụ cột gia đình, tôi phải tính toán và lo cho giai đoạn trước mắt”, anh D. cho biết.
Theo BHXH thành phố, người lao động làm thủ tục rút BHXH một lần là thực tế đang diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2022.
Tại Đà Nẵng, trong 4 tháng đầu năm 2022, BHXH thành phố giải quyết cho 4.108 người hưởng BHXH một lần với số tiền gần 187 tỷ đồng. Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”. Bởi ngay khi hưởng BHXH một lần, toàn bộ thời gian đã đóng BHXH trước đó của người lao động không được bảo lưu, đồng thời các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với tham gia BHXH cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Theo bà Hoàng Thị Đông, Phó trưởng phòng Chế độ BHXH (thuộc BHXH thành phố), lương hưu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của người lao động khi về già, có lương hưu người lao động không chỉ hưởng tiền hằng tháng mà còn được cấp thẻ BHYT, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ BHYT chi trả với số tiền khó đong đếm được. Đặc biệt, đối với người bị mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh điều trị dài ngày rất cần BHYT. Trên thực tế nhiều năm qua, cơ quan BHXH đã chi trả hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng để chữa trị cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo.
“Do vậy, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần người lao động hãy cân nhắc nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động, nhất là trong thời gian tới đây người lao động dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho người lao động dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài”, bà Đông cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Tiết, Phó Giám đốc BHXH thành phố, để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, BHXH thành phố đẩy mạnh hướng dẫn, thông tin, đối thoại và tuyên truyền trực tiếp nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức của người lao động về ý nghĩa của chính sách BHXH, hạn chế nhận BHXH một lần. Việc hưởng lương hưu hằng tháng như hiện nay giúp người lao động có lương hưu, đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, không phải lệ thuộc vào gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, người lao động được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để thực hiện khám, chữa bệnh, không phải lo lắng khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Lương hưu cũng được Nhà nước điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế, thu nhập người hưởng lương hưu vì vậy không phải chịu rủi ro khi đồng tiền mất giá. “Ngược lại, khi nhận BHXH một lần, những quyền lợi ở trên sẽ không được bảo đảm, đặc biệt là vấn đề khám, chữa bệnh BHYT với mức chi trả có khi lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng. Việc người lao động nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc họ tự tước bỏ quyền được bảo đảm an sinh xã hội của bản thân, tự rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Chưa kể, việc nhận BHXH một lần sẽ phải chấp nhận thiệt thòi rất lớn do mức hưởng thấp hơn mức đóng”, ông Tiết cho biết.
PHAN CHUNG