Nền báo chí Cách mạng Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, bắt đầu từ khi Người lập ra Báo Thanh Niên, cơ quan của “Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc, Người cũng là nhà báo cách mạng bậc thầy. Bác viết báo rất nhiều, rất thường xuyên. Chỉ riêng trên Báo Nhân Dân từ năm 1951 đến năm 1969 đã có 1.205 bài báo của Người. Bác Hồ viết nhiều thể loại khác nhau, từ tin tức, bình luận, phóng sự, bút ký đến tiểu phẩm, tạp văn … Ngoài tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, Người còn viết báo bằng tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc. Người tự nhận có nhiều “duyên nợ với báo chí”, mục đích duy nhất, cao cả và chân chính, làm báo để chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh làm báo, viết báo là để làm cách mạng. Báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ truyền bá chính trị, tư tưởng, là phương tiện tổ chức hành động cách mạng của công - nông - binh - trí thức. Người luôn căn dặn các nhà báo, người viết báo không được quên điều cốt lõi: Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào cho quần chúng dễ đọc, dễ hiểu, dễ làm theo.
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, không chỉ là nhà giáo dạy nghề báo - nghiên cứu sâu sắc chuyên đề tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí mà còn là cây viết tiểu phẩm tài hoa.
Nhà báo Tạ Ngọc Tấn Tranh: Cốp |
Đọc hai tập tiểu phẩm gần đây của nhà báo Tạ Ngọc Tấn “Chuông làng báo”, “Nhìn qua kính nhà mình”, bút danh Nam Sơn Ký Giả - Linh Sơn, trong đó có nhiều bài đề cập đến nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh”. Ngòi bút tiểu phẩm của Tạ Ngọc Tấn minh triết, lối châm biếm nhẹ nhàng mà thâm thúy, sâu cay. Không gì có thể lọt khỏi đôi mắt tinh tường của một nhà giáo dạy nghề báo, nhà lý luận, cũng là cây bút chính luận sắc bén. Xin lấy ngay ví dụ từ tiểu phẩm “Nhìn qua kính nhà mình”, tên bài được dùng đặt tên cho cả tập sách. Bài viết có độ dài hơn 30 dòng, 374 từ ngắn gọn mà dí dỏm, sâu cay, chuyển đi thông điệp làm nghề, phong cách và tầm nhìn sự kiện, sự vật, nguyên văn như sau:
“Tác giả người Ấn Độ Prakash Iyer kể câu chuyện đại khái thế này. Có một cặp vợ chồng trẻ vừa chuyển tới ở trong căn nhà mới. Một buổi sáng, cô vợ trẻ nhìn qua kính cửa sổ nhà mình thấy bà hàng xóm đang phơi quần áo lên dây phơi. Cô tỏ vẻ ngạc nhiên và quay sang nói với chồng: “Anh ơi, nhìn kìa! Sao quần áo của nhà hàng xóm giặt rồi mà bẩn thế. Em nghĩ là bà hàng xóm hơi bị đoảng vị, không biết cách giặt đồ!”. Người chồng đang dán mắt vào bản tin sáng trên máy thu hình nên trả lời cho xong chuyện: “Có lẽ họ dùng bột giặt không tốt em ạ!”. Mấy ngày sau chuyện quần áo bẩn của hàng xóm vẫn lặp lại, thậm chí còn bẩn hơn. Và hôm nào cô vợ cũng buông lời chê bai nhà hàng xóm.
Vào buổi sáng chủ nhật sau đó. Cô vợ nhìn qua cửa sổ và rất ngạc nhiên kêu lên: “A, cuối cùng thì nhà hàng xóm cũng biết cách làm thế nào cho sạch quần áo. Có lẽ họ đã thay loại bột giặt tốt hơn!”. “Em yêu ơi, không phải vậy đâu”; người chồng vừa cười vừa ôn tồn giải thích cho vợ: “Sáng nay anh đã dậy sớm và tranh thủ lau sạch kính cửa sổ nhà mình đấy!”.
Thiết nghĩ, câu chuyện nhỏ về người vợ trẻ nhìn qua kính cửa sổ nhà mình có thể trở thành bài học lớn cho nhiều người, nhất là các nhà báo. Bởi vì đối với các nhà báo, nếu nhìn nhận con người, sự việc, hiện tượng một cách đơn giản, không khách quan, không khoa học và không cẩn thận sẽ dẫn đến phản ánh, đánh giá không chính xác về con người, sự việc ấy. Điều đó có thể làm cho người tốt trở thành xấu, việc hay trở thành dở. Hậu quả của điều này cũng không khác gì một bản án oan trong báo chí. Vậy nên: Kiểm tra cho kỹ, xét cho tinh/ Hãy nhìn bằng đôi mắt tường minh/ Chớ soi qua kính nhà mình bẩn/ Để trách láng giềng mất vệ sinh! (NXB Thông tin và Truyền thông, 2021, trang 100-101)
Tiểu phẩm của Nam Sơn Ký Giả - Linh Sơn ngắn, cô đọng, súc tích, chắt lọc, câu kết là mấy vần thơ dễ nhớ. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, giới báo chí tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách báo chí của Người, Nam Sơn Ký Giả - Linh Sơn dẫn giải sự kiện trong một tiểu phẩm 420 từ. Kết bài, tác giả mượn 3 câu thơ của Tố Hữu trong bài Theo chân Bác: Yêu Bác lòng ta trong sáng mãi/ Xin mượn cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn…
Một tiểu phẩm khác có tựa đề “Báo hại”, Nam Sơn Ký Giả - Linh Sơn viết: “Ở hành lang một hội nghị về báo chí, tôi nghe lỏm được câu chuyện của mấy đại biểu đang uống nước chè và nói về báo chí: Báo chí của mình bây giờ thế nào ấy. Người ta chẳng kiêng dè chuyện gì sất, từ chuyện cướp của, giết người đến chuyện phòng the, ân ái, chuyện gì cũng phơi ra nốt. Rõ là báo chí giật gân, câu khách (khác với những điều Bác Hồ đã dạy). Vậy nên: Sao còn dung dưỡng phường báo hại/ hại đời hại nước, hại người dân? (Sách đã dẫn, trang 18).
Tiểu phẩm “Nhà báo dấn thân”, Nam Sơn Ký Giả - Linh Sơn dẫn câu chuyện về nhà báo dấn thân nổi tiếng thế giới Ida Tarbell, người đã dùng ngòi bút của mình để chống lại sự độc quyền của Rockefeller và công ty mà ông ta là chủ. Nhà báo dấn thân để lại cho đời bài học bổ ích, tấm gương sáng về tính chiến đấu, ý thức trách nhiệm xã hội của người làm báo. Đúng là: Nhà báo dấn thân vì chân lý/ Lịch sử bao đời vẫn khắc ghi (Sách đã dẫn, trang 22)…
Một số tiểu phẩm, tác giả sử dụng phong cách đối thoại nhân vật giữa Phó Nhòm và Cả Nháy. Đối thoại để bật ra sự bất ngờ đến ngộ nghĩnh, châm chích đau điếng kiểu ong mật, ong vò vẽ mà vẫn cứ phải bấm bụng cười, kiểu cười chảy nước mắt. Đó là cái tài, cái khéo, chất thầy đồ của Nam Sơn Ký Giả - Linh Sơn. Chỉ riêng chuyện chọn lựa, quy hoạch cán bộ theo tiêu chí địa phương chủ nghĩa - đồng hương, thiên hạ đã nói nhiều, nhàm tai. Với Phó Nhòm và Cả Nháy có cách làm bật ra tiếng cười khác lạ, cùng mấy câu kết: Thương thay Phó Nháy nhà ta/ Chẳng được ông “sếp” nhận là đồng hương/ Thế là thăng tiến hết đường. Thế là đành phải thắp hương mà cầu/ Cầu trời có phép nhiệm mầu/ Quét cho sạch lầu cái bệnh đồng hương! Các nhà báo có trách nhiệm vạch trần sự xấu xa của tệ nạn đồng hương trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ (Sách đã dẫn, trang 328).
Không chỉ là tài năng, Tạ Ngọc Tấn là một tấm gương về nhân cách, nhân ái, nghĩa tình, hết lòng giúp đỡ người - nhất là lúc người có hoàn cảnh khó khăn. Cố nhân nói: “Mình khổ thì mới biết thương kẻ cơ hàn”. Tổng kết này soi vào con người Tạ Ngọc Tấn, quả không sai. Có thể dẫn giải nhiều ví dụ trong cuộc đời và sự nghiệp, đối nhân xử thế của Tạ Ngọc Tấn. Ông thể tất mọi chuyện vặt vãnh, ghét sự thù hận để tâm an - cuộc sống an nhiên, hướng thiện là một trong những tư chất của Tạ Ngọc Tấn, người con đất Tổ. Thẳng thắn, trung thực, Tạ Ngọc Tấn không né tránh đấu tranh, sống có nguyên tắc, kỷ luật, cương trực, đúng sai rõ ràng, phải trái phân minh, nhưng biết lắng nghe, vị tha. Ông quy tụ đoàn kết, tâm đồng ý hợp, trên dưới đồng lòng, đồng sức cùng hướng tới một chí hướng, một mục tiêu.
GS.TS, nhà giáo, nhà báo Tạ Ngọc Tấn tâm huyết với câu nói: Chớ soi qua kính nhà mình bẩn! Ông là người thầy dạy làm báo: nghề hay, tình đẹp.
PHẠM QUỐC TOÀN