Chung tay xây dựng "Thành phố môi trường"

.

Thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030” do UBND thành phố ban hành, các địa phương, đơn vị, người dân toàn thành phố đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa vì môi trường. Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, huy động sự chung tay của các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng lối sống xanh - sạch - đẹp.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Việt Dũng  (thứ 2, phải sang) và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương  (bên trái) tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tái chế tại ngày hội “Phụ nữ Đà Nẵng - Sống xanh, hành động vì môi trường sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức.  Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Việt Dũng (thứ 2, phải sang) và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hoàng Thị Thu Hương (bên trái) tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tái chế tại ngày hội “Phụ nữ Đà Nẵng - Sống xanh, hành động vì môi trường sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức. Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố

Đóng vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) từ thành phố đến cơ sở triển khai nhiều hoạt động thiết thực vì môi trường. Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương cho biết, ngày 1-6, Hội LHPN thành phố tổ chức ngày hội “Phụ nữ Đà Nẵng - Sống xanh, hành động vì môi trường sạch” và phát động chiến dịch “Phụ nữ làm sạch môi trường biển” năm 2022.

Tại ngày hội, hàng trăm hội viên phụ nữ của 7 quận, huyện tham gia các hoạt động về môi trường như: tái chế rác thải tài nguyên và trưng bày, giới thiệu gian hàng “Sống xanh”; thi tìm hiểu kiến thức về môi trường; trình diễn thời trang, sáng kiến “Làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa”…

Bên cạnh đó, ngày hội diễn ra hoạt động thu, đổi rác tài nguyên lấy sản phẩm thân thiện môi trường. Mỗi cán bộ, hội viên sẽ được nhận phần quà là túi cói, cây xanh,… khi đổi rác thải nhựa, kim loại. “Hoạt động đổi rác lấy quà tuy nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn, giúp nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn; tái chế, tái sử dụng rác tài nguyên, góp phần hạn chế rác thải ra môi trường”, bà Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, hưởng ứng chiến dịch “Phụ nữ làm sạch môi trường biển”, những ngày qua, hàng trăm cán bộ và hội viên phụ nữ đồng loạt ra quân dọn vệ sinh tại bãi biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) và khu vực Lăng Ông (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), góp phần gìn giữ môi trường sinh thái biển.

Trong khi đó, với mục tiêu trồng thêm nhiều cây xanh, Mặt trận, các hội, đoàn thể phường Nam Dương (quận Hải Châu) phối hợp triển khai hoạt động thu đổi rác tài nguyên lấy cây xanh. Bà Dương Thị Kiều Trinh, Chủ tịch Hội LHPN phường Nam Dương cho biết, trước khi diễn ra hoạt động thu đổi rác, các hội, đoàn thể thông tin, vận động người dân trên địa bàn phường thực hiện phân loại, thu gom rác tài nguyên tại nhà để đổi cây xanh. Cứ 4kg rác thải tài nguyên như: giấy vụn, chai nhựa, vỏ lon sẽ đổi được một cây xanh. Sau khi thu đổi, rác tài nguyên được bán gây quỹ “Ước mơ xanh” và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.

Thực hiện mô hình “Khu dân cư (KDC) giảm nhựa” do Mặt trận phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) phát động, phong trào thu gom, phân loại rác thải nhựa được người dân tại 9 KDC hưởng ứng tích cực. Bà Nguyễn Thanh Xuân (tổ 14, phường Hải Châu 2) cho biết, từ khi các “Chai xanh” thu gom rác được lắp đặt trong khu dân cư, ý thức tự giác phân loại rác tại nguồn của người dân được nâng lên rất nhiều.

“Trước đây khi chưa có chai thu gom, thi thoảng tôi cũng vứt chung rác tài nguyên vào rác thải sinh hoạt. Từ khi có “Chai xanh” và hiểu được ý nghĩa của việc phân loại, thu gom rác thải nhựa, tôi và các thành viên trong gia đình đều xây dựng thói quen phân loại rác”, bà Xuân chia sẻ. Được biết, định kỳ hằng tháng, rác thải nhựa trong các “Chai xanh” sẽ được gom lại và bán gây quỹ nhằm thực hiện các hoạt động an sinh xã hội tại KDC.

Tương tự, từ khi Mặt trận phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) triển khai mô hình “Kiệt an toàn - văn minh - sạch đẹp”, số lượng KDC đăng ký thực hiện mô hình ngày càng tăng lên. Ông Dương Hiển Tạo, Trưởng ban công tác Mặt trận KDC Thanh Phong 2 (phường Thanh Khê Đông) cho biết, từ khi thực hiện mô hình này, vệ sinh môi trường tại KDC cải thiện rõ rệt. Mỗi hộ gia đình đều trang bị thùng rác có nắp đậy; thực hiện thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, cam kết giữ gìn vệ sinh chung, hưởng ứng tham gia phong trào “ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”. Bên cạnh đó, mỗi hộ dân đều trang bị bình chữa cháy xách tay, cam kết không buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; bài trừ tệ nạn xã hội… nhằm cụ thể hóa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Bên cạnh hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương, đơn vị, trên địa bàn thành phố hiện có nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ hoạt động vì môi trường. Đây là các hội, nhóm cộng đồng với sự tham gia của đông đảo thành viên có chung tình yêu môi trường. Vào ngày cuối tuần và các dịp đặc biệt, các hội, nhóm này tổ chức thu dọn rác tại các địa điểm công cộng như: bãi biển, âu thuyền, các bãi đá thuộc bán đảo Sơn Trà với số lượng thành viên tham gia khá lớn. Mặc dù là những hội, nhóm tự phát và hoạt động độc lập nhưng không thể phủ nhận tác động tích cực mà các hội, nhóm này mang lại trong việc bảo vệ môi trường biển, góp phần lan tỏa ý thức, chung tay xây dựng “Thành phố Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.