Giữ lửa niềm tin

.

Hiệp định Geneve  ký ngày 20-7-1954, chia Việt Nam thành hai miền. Sau hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tháng 7-1955, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Tứ, thường gọi Mười Khôi, đang đi phổ biến nghị quyết của Tỉnh ủy về vấn đề đấu tranh hợp pháp, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử và xây dựng cơ sở cách mạng thì địch bắt được Từ Tá - một cán bộ của Huyện ủy Điện Bàn nằm vùng tại nhà bà Cửu Hiền. Từ Tá người cao, to, da đen, hao hao giống ông Mười Khôi nên địch tưởng bắt sống được Mười Khôi, mừng quá, cho thông tín viên đọc trên loa phát thanh oang oang, bắt được Cộng sản gốc Mười Khôi.

Một số tờ báo thời kỳ đầu. Ảnh: A.D
Một số tờ báo thời kỳ đầu. Ảnh: A.D

Dân làng nghe Mười Khôi bị bắt, thì cán bộ huyện nghe, rồi cán bộ tỉnh, cán bộ Khu cũng nghe. Ai cũng lo âu. Mới Phó Bí thư Thường trực Cao Sơn Pháo vừa rời xã Ba xuống đến vùng núi Đại Lộc thì bị địch vây bắt, tra tấn rồi giết. Nay thêm tin ông Mười Khôi phụ trách cánh Nam bị bắt.

Ông Mười Khôi vào đến Thăng Bình, không tìm ra Huyện ủy Thăng Bình. Ông lên Tiên Phước tìm Đào Đắc Trinh, tức Sáu Trinh, Bí thư Huyện ủy Tiên Phước. Không biết Huyện ủy ở đâu. Hầu như cán bộ chủ chốt của Huyện ủy bị bắt. Bị địch truy đuổi, Sáu Trinh mất liên lạc với Tỉnh ủy. Sáu Trinh thoát khỏi vòng vây, rúc vào trốn trong núi (thôn Sáu, xã Tiên Sơn), đêm đêm vào làng kiếm cái ăn, kể cả ăn mít cho đỡ đói.

Khi địch nắm chính quyền liền lập nên những ‘‘tam gia liên bảo’’, ‘‘ngũ gia liên bảo’’, nắm dân bằng hàng rào ‘‘quy khu’’, ‘‘ấp chiến lược’’, để cán bộ ‘‘nằm vùng’’ không thể nào tiếp xúc được với dân. Ông Đào Đắc Trinh bấy giờ là một Tỉnh ủy viên đang phụ trách cánh Nam của tỉnh (gồm Trà My, Tiên Phước, Tam Kỳ), quyết tâm nhen đốm lửa lòng tin với cán bộ kháng chiến ủ kín trong lòng nhân dân, bằng cách cùng mấy cán bộ người Kinh đang dựa vào xã Zút của Trà My, tổ chức viết nhiều tờ truyền đơn báo tin cho dân biết cán bộ đang còn ở lại trong bí mật…,  bỏ vào ống lồ ô, khằn kín, không cho nước vào rồi đem ra thả xuống sông Tiên.

Mấy ngày sau, các vị gặp dân vào rừng kiếm củi. Một cuộc gặp làm hai bên đều rơi nước mắt. Bà con mang theo cơm, khoai cho cán bộ, qua họ, biết bà con ở ven hai bờ sông Tiên chảy qua quận lỵ Tiên Phước, vớt được những ống lồ ô, đọc mấy dòng ngắn ghi trong tờ giấy học trò, biết cách mạng vẫn còn, chứ không như địch rêu rao đã tiêu diệt hết những đảng viên Cộng sản ở lại. Một cái tin ngắn làm xúc động, rơi nước mắt, tạo nên một niềm tin không lung lay!

Những ngày đen tối, bốn bề địch vây, địch ráp, những đảng viên Cộng sản ít ỏi trụ lại, đã tin vào lòng dân, cố giữ gìn và nhen lên đốm lửa cách mạng ủ kín trong lòng nhân dân, từng bước móc nối, xây dựng cơ sở cách mạng chờ cơ hội thổi bùng lên thành lửa cách mạng, thành phong trào cách mạng.

Sau khi địch mở chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, từ miền biển lên tận miền núi, bịa đặt, vu khống,  tung tin giả nói xấu những người kháng chiến, vừa khủng bố, tố cộng khốc liệt, truy bắt cán bộ nằm vùng ở cánh Nam của tỉnh, thì tình hình ở Đà Nẵng bắt đầu khó khăn. Thời gian này, cơ quan Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đóng trong nhà dân ở Trung Lương, Lỗ Giáng thuộc xã Hòa Đa. Nguyễn Trung và anh em Văn phòng Thành ủy nghiên cứu làm căn cước, giấy thông hành giả, cấp cho anh em ta đi lại hoạt động trong vùng địch tạm chiếm.  Thấy cần phải cung cấp thông tin chính thống cho người dân, Tỉnh ủy điều Nguyễn Trung về tìm cách làm ra những bản tin.

Nhận nhiệm vụ, Nguyễn Trung suy nghĩ, cùng vài anh em xuống Hòa Quý mua chuyển 2 bản đá Non Nước, giấy vở học sinh và nguyên liệu để chế thành mực như dầu rái, xà phòng, nhựa thông, sáp ong lên xã Ba, huyện Hiên (Đông Giang). Anh em nghiên cứu nấu thành công hai loại mực viết và mực in. Có bàn đá, mực in nhưng chưa tìm được ru lô. Phải dùng tạm ống tre lồ ô một thời gian thì nhờ mua được một trục máy đánh chữ cũ, anh em lồng vào lớp cao su ruột xe để lăn cho đều khi in.

Với những trang bị cực kỳ thô sơ, trong một khu rừng vắng trên đất phía tây của tỉnh, một cơ sở in ra đời, in được nhiều trang tài liệu, nhiều bài thơ, vè, truyền đơn đưa về đồng bằng, chuyền tay nhau kêu gọi nhân dân giữ vững niềm tin với cách mạng, với Đảng.

Cuối năm 1955, do yêu cầu phải tổ chức những cuộc vận động lớn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần cách mạng của nhân dân, Tỉnh ủy chủ trương ra tờ báo Quyết Tiến. Trụ sở của báo ban đầu đặt tại một khu rừng ở Mang Mai (Hòa Vang). Bí thư Tỉnh ủy Phan Tốn chỉ đạo việc ra báo, bộ phận biên tập gồm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Trần Hưng Thừa và Phó Văn phòng Phan Đấu, Nguyễn Trung lo việc ấn loát, phát hành.... Đưa được một số tờ Quyết Tiến lọt vào nội thành là một kỳ công. Trước hết, báo cho địch biết cách mạng đã có mặt trong nội thành.  Mỗi một tin ngắn, một bài không dài, trong tờ báo nhỏ, góp phần tạo một niềm tin cho người đọc, từ đó lan tỏa ra…

Thời kháng chiến ông có tên là Trần Bắc, từng làm Trưởng ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà, phụ trách Báo Giải phóng Quảng Đà. Sau ngày hòa bình năm 1975, ông Trần Hưng Thừa làm Chủ tịch thành phố Đà Nẵng.  Có thời gian ông Phan Đấu làm Trưởng ban, ông Nguyễn Trung làm Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.  Bấy giờ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan chủ quản các cơ quan báo chí truyền thông của tỉnh.

Sông Tiên. Ảnh: HUY ĐẰNG
Sông Tiên. Ảnh: HUY ĐẰNG

Thời đại công nghệ tin học phát triển lên đỉnh cao, là điều kiện vô cùng thuận lợi cho những người muốn đưa thông tin - cả tin tốt lẫn tin xấu, tin bổ ích lẫn độc hại - đến với người đọc. Tình hình thế giới vô cùng hấp dẫn và phức tạp, diễn biến khó lường. Báo điện tử, báo giấy, truyền hình, các trang mạng xã hội tràn ngập thông tin, bằng mọi khả năng chiếm lĩnh trận địa thông tin… Đây quả là một nhiệm vụ vô cùng vất vả và nặng nề, đặt lên vai những người làm báo cách mạng.

Muốn giữ vững trận địa, những người làm báo luôn trang bị kiến thức mới, không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị và tay nghề để có thể truyền tải được thông tin tốt, hấp dẫn đến với người đọc, góp phần giữ gìn ngọn lửa niềm tin yêu trong lòng nhân dân, cổ vũ, động viên mọi người hăng say trong công cuộc xây dựng, đổi mới, và phát triển lên tầm cao mới, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

HỒ DUY LỆ

;
;
.
.
.
.
.