Xăng, dầu tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội. Theo đó, nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo giá xăng, dầu khiến đời sống người dân gặp khó khăn.
Các mặt hàng tăng giá khiến người dân khó khăn trong việc mua sắm. TRONG ẢNH: Người dân đang mua hàng tại Go BigC. Ảnh: GIAO THỦY |
Theo điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính vào chiều ngày 1-6, giá xăng tăng gần 32.000 đồng/lít. Đây là lần điều chỉnh lần thứ 5 tính từ đầu năm đến nay. Việc tăng giá xăng, dầu lên mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu là những mảng ngành hứng chịu tác động nặng nề từ việc xăng, dầu tăng giá. Qua mỗi lần điều chỉnh, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên thị trường bắt buộc phải tăng theo khiến nhiều người lao đao tìm cách chi tiêu hợp lý hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, tiểu thương quầy thịt heo tại chợ Hàn, dù là mặt hàng thực phẩm thiết yếu hằng ngày nhưng giá cả liên tục tăng khiến khách hàng cắt giảm bớt số lượng; vì thế trong những ngày qua, sản lượng thịt tươi sống và chế biến từ thịt heo, bò bán ra giảm rõ rệt. Thay vì mua thịt heo, bò, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng thịt gà, thịt vịt với giá rẻ hơn nhưng vẫn bảo đảm giá trị dinh dưỡng. “Từ ngày giá xăng tăng liên tục, lượng khách đi chợ hằng ngày cũng giảm đáng kể. Người buôn thì vẫn phải bảo đảm số lượng hàng hóa tiêu thụ nhằm cung ứng cho người dân nhưng nhu cầu mua sắm giảm khiến cung vượt cầu”, bà Liên cho hay.
Buôn bán tại chợ Hàn, bà Trần Thị Quỳnh (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu đang là hộ nghèo của phường) bày tỏ: “Tôi giờ ở một mình, tất cả chi tiêu chỉ dựa vào thu nhập từ việc bán bánh mè nhưng mỗi ngày bán cũng chỉ được 50.000-70.000 đồng. Trong khi đó, một tháng phải chi trả rất nhiều phí dịch vụ nhưng có ngày không bán được gì. Cuộc sống vốn cơ cực nay càng khó khăn, chỉ mong bán được đồng nào hay đồng đó chứ tình hình giá cả tăng như hiện giờ, chạy ăn từng bữa cũng khó”.
Chị Nguyễn Thị Lợi (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho biết, mức thu nhập của vợ chồng đều là công nhân viên chức với gia đình gồm hai con nhỏ cùng bố mẹ chồng nay không đủ chi trả chi tiêu trong gia đình. Xăng, dầu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến những bữa ăn trong gia đình. Hiện nay, mỗi ngày, tiền đi chợ của gia đình chị hết 150.000 đồng. Mỗi tuần gia đình chị tiêu tốn đến gần 500.000 đồng tiền xăng, chưa tính những chi tiêu ngoài khác, chỉ tiền đi chợ đã hết nửa tháng lương.
Anh Lê Hữu Lộc, công nhân Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh) bày tỏ, trước đây, với mức lương và việc chi tiêu hợp lý, mỗi tháng, anh đều có khoản dư để gửi về gia đình. Vài tháng nay, giá xăng tăng mạnh, mọi chi phí tăng lên nhiều lần khiến cuộc sống gia đình anh gặp khó khăn. “Tiền thuê trọ, thực phẩm… đều tăng theo giá xăng, dầu nhưng đồng lương công nhân lại không thay đổi. Mong Nhà nước sẽ có những giải pháp hỗ trợ, giảm giá xăng dầu, bình ổn giá thị trường để những người có thu nhập thấp ổn định cuộc sống”, anh Lộc tâm sự.
Tương tự, việc giá xăng tăng khiến những tài xế công nghệ chịu nhiều ảnh hưởng bởi không có bất cứ một chính sách hỗ trợ nào từ đơn vị quản lý. Nhiều tài xế phải bỏ nghề vì không trụ nổi. Anh Lê Hoàng Khang (trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) trải lòng: “Cả buổi sáng, tôi chạy 7 chuyến với tổng số tiền 150.000 đồng, trừ tiền xăng, ăn uống thì không dư đồng nào”. Trong khi đó, em Lê Xuân Quân, sinh viên năm 4 tại Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, mỗi tháng, gia đình chu cấp cho em khoảng 2,5 triệu. Hiện giờ, mọi thứ tăng giá, Quân cũng như nhiều sinh viên khác phải tiết kiệm hết mức.
Đối với những hộ kinh doanh, đặc biệt là các quán cơm, cửa hàng ăn uống, việc xăng tăng giá khiến nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ quán cơm bình dân (số 7 Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho hay, từ đầu năm, giá cơm bình dân cố định là 15.000 đồng/suất nhưng bây giờ đã tăng lên 20.000 đồng/suất. Nếu tăng giá cơm theo giá xăng thì khách không đến ăn còn không tăng thì người bán lại lỗ tiền mặt bằng, điện nước…
Giá xăng tăng cao kéo theo đà tăng giá của mọi khoản chi phí sinh hoạt, hàng hóa thiết yếu khiến đời sống của người dân áp lực nhiều. Do vậy, việc cân nhắc giải pháp kìm hãm đà tăng của giá xăng nhằm ngăn chặn kịp thời những biến động tiêu cực của thị trường đến đời sống của người dân đang trở nên vô cùng bức thiết.
CHIẾN THẮNG - GIAO THỦY