Tháng 8-2021, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố triển khai mô hình “3 tại chỗ” để hướng đến mục tiêu vừa bảo đảm chất lượng công việc, vừa an toàn phòng, chống dịch. Đối với cơ quan báo chí, để truyền tải đầy đủ thông tin tới bạn đọc trong thời gian thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, cán bộ, nhân viên, phóng viên Báo Đà Nẵng đã trải qua quãng thời gian thực hiện “3 tại chỗ” với nhiều cung bậc cảm xúc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại huyện Hòa Vang trong tháng 8-2021. Ảnh: TRỌNG HUY |
Xung phong “3 tại chỗ”
Ngày 3-8-2021, Báo Đà Nẵng thông báo về việc cán bộ, phóng viên, người lao động đăng ký làm việc “3 tại chỗ”. Không đắn đo, chúng tôi quyết định đăng ký thực hiện nhiệm vụ, dù quận Sơn Trà lúc bấy giờ là khu vực “nóng” vì dịch bệnh diễn biến phức tạp và có lệnh cách ly y tế từ 16 giờ cùng ngày.
Chia tay nhóm trực chốt ở khu dân cư, chúng tôi tay xách, nách mang ba lô đựng phương tiện tác nghiệp và vài bộ áo quần, chạy xe qua vài ba chốt trực trong khoảng thời gian “giao ca” theo quy định. Mỗi chốt trực là một lần phải xuất trình giấy đi đường, thẻ nhà báo, giấy phân công nhiệm vụ của cơ quan mới có thể thông chốt.
Tại cơ quan, có khoảng chục người gồm lãnh đạo Ban Biên tập, các trưởng, phó phòng phụ trách, cán bộ, nhân viên đại diện các phòng và 4 phóng viên của 4 phòng được phân công ăn, ở, làm việc theo chế độ đặc biệt. Thực chất của “3 tại chỗ” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm tại chỗ. Song với anh em phóng viên, việc 3 “cùng” thì có thể, nhưng “tại chỗ” là điều không thể.
Chúng tôi bắt buộc phải ra ngoài để tác nghiệp, lấy tư liệu, hình ảnh viết tin, bài, thông tin chân thực về công tác chống dịch của thành phố. 4 anh em phóng viên trong một kíp “3 tại chỗ” được ưu tiên chế độ riêng biệt, từ ăn, ở, nơi làm việc, lối đi lại trong cơ quan. Và cũng chỉ phóng viên chúng tôi được phép đi ra ngoài khỏi phạm vi cơ quan, từ làm nhiệm vụ tác nghiệp và tranh thủ đi mua, nhận thức ăn, đồ dùng… Cái chế độ “riêng biệt” của phóng viên đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm đối với phóng viên luôn ở mức cao.
Là những người làm báo trẻ, bản thân chúng tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm “xông pha” trên mặt trận thông tin để mang đến những bài báo “nóng hổi” phục vụ bạn đọc. Thực hiện nghiêm quy định giãn cách của thành phố, số lượng phóng viên, cán bộ, nhân viên thực hiện “3 tại chỗ” cho 1 kíp trực tại cơ quan rất ít, phần lớn mọi người làm việc ở nhà theo quy định. Dù tinh gọn hết cỡ nhưng “cơ cấu” phải đầy đủ tất cả các bộ phận từ Ban Biên tập, Phòng Tòa soạn, Phòng Hành chính và Trị sự, một số cán bộ, nhân viên lo công tác hậu cần, cơm nước cho kíp trực và các phóng viên tác nghiệp.
8 giờ sáng ngày 16-8-2021, đường phố Đà Nẵng trở nên vắng lặng, người dân chấp hành nghiêm Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021 của UBND thành phố trên tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”. Thời điểm này, các ấn phẩm báo in (Đà Nẵng hằng ngày và Đà Nẵng Cuối tuần) tạm thời dừng xuất bản. Mọi tin, bài được đăng tải trên báo điện tử (baodanang.vn).
Để bảo đảm tính thời sự, tất cả chúng tôi kịp thời cung cấp cho độc giả những thông tin chính xác, thực tế diễn biến của dịch bệnh, sự nỗ lực cả hệ thống chính trị thành phố cho đến từng ban điều hành khu dân cư… Có những bữa cơm không đúng giờ, những thời khắc đầy áp lực khi phải triển khai tin, bài nóng cho kịp tình hình thời sự lúc dịch bệnh nhưng chúng tôi dường như quên cả mệt mỏi, chỉ mong đưa đến cho bạn đọc những thông tin thời sự nóng hổi.
Vào những điểm nóng
Nói là “3 tại chỗ”, nhưng ngày nào anh em phóng viên cũng ra ngoài đi tác nghiệp, khi thì sự kiện này, khi nhiệm vụ khác. Phóng viên Phòng Thời sự theo sát các sự kiện có lãnh đạo thành phố dự, đặc biệt là Thường trực Thành ủy kiểm tra, chỉ đạo công tác chống dịch trên địa bàn thành phố. Đây là thời điểm lãnh đạo thành phố có nhiều hoạt động trong công tác chỉ đạo, kiểm tra chống dịch dày lịch nhất, nên tần suất ra ngoài, đi vào các “vùng “đỏ” có dịch đang bùng phát phức tạp nhất cũng liên tục.
Phóng viên Trọng Huy đang được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 khi thực hiện “3 tại chỗ” tại cơ quan. Ảnh: PV |
Theo ca trực, phóng viên có mặt kịp thời từ các điểm nóng là chùm ca bệnh ở khu chung cư trên đường Văn Tiến Dũng ở Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), đến các kiệt hẻm ở đường Trần Cao Vân phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), bệnh viện dã chiến ở Ký túc xá phía tây thành phố, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, các điểm tập trung dân cư sau khi thực hiện giãn dân của phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), phường Thanh Bình (quận Hải Châu), hay các chốt kiểm dịch tại cửa ngõ thành phố…
Mỗi lần đi tác nghiệp, ngoài việc trang bị đầy đủ phương tiện chống dịch cá nhân như khẩu trang 2-3 lớp, mặc đồ bảo hộ nếu vào sâu trong vùng dịch, bình sát khuẩn… thì ý thức bảo đảm khoảng cách là yếu tố rất quan trọng để chúng tôi không bị “đứt gánh giữa đường” vì không may dương tính với Covid-19.
Niềm vui bên lề Trong những ngày “3 tại chỗ”, chúng tôi tự hào vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của người phóng viên đưa tin hiện trường kịp thời, chính xác, nhanh chóng đưa tin, phản ánh đến bạn đọc những thông tin, chủ trương mới, nóng của thành phố trong công tác chống dịch và các chủ trương, chính sách của lãnh đạo thành phố trong việc giữ ổn định, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Lượng bạn đọc trên Báo Đà Nẵng điện tử tăng rất cao. Tại cơ quan, trong những ngày “3 tại chỗ”, sau mỗi lần xét nghiệm an toàn, tất cả anh em trực “3 tại chỗ” mới được bữa ăn cơm cùng một mâm. Nhưng kể cả được “sum vầy”, đa phần anh em phóng viên đều phải ăn chậm giờ hơn mọi người, vì tin, bài chưa hoàn thành thì không thể ngồi ăn cơm thoải mái được. |
Thời điểm này, đường phố thưa thớt người qua lại, lực lượng tuần tra nghiêm ngặt, nhiều chốt kiểm soát được thiết lập. Đây là lần đầu tiên thành phố thực hiện biện pháp mạnh để kiểm soát dịch bệnh. Tôi vẫn nhớ chuyến tuần tra đêm cùng với Thiếu tá Ngô Minh Châu. Anh hiện công tác tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an thành phố nhưng được tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Khác với những ồn ào, tấp nập hằng ngày, Đà Nẵng về đêm trầm lặng, yên tĩnh lạ thường. Các chiến sĩ như những chiếc ra-đa, nghiêm túc rà từng ngõ ngách, kiệt, hẻm để kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành quy định.
Trong một lần tác nghiệp trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu), chúng tôi đặc biệt ấn tượng với cô đoàn viên nhỏ nhắn Nguyễn Thị Hoàng Lập. Em là một trong những đoàn viên của phường tham gia hỗ trợ, hướng dẫn công tác tiêm vắc-xin tại Cung thể thao Tiên Sơn. Cùng với sức nóng của bộ trang phục bảo hộ, chiếc khẩu trang tạo vết hằn sâu trên gương mặt của em. Nếu không chứng kiến, thật khó hình dung bằng cách nào, Lập có thể hoàn thành được khối lượng công việc “khủng” với vẻ bề ngoài nhỏ bé như thế.
Chia sẻ với tôi, Lập nói rằng: “Cuộc chiến này không của riêng ai, mỗi người đóng góp hành động nhỏ sẽ tạo thành sức mạnh to lớn”. Có lẽ, không chỉ Lập mà những con người âm thầm ngoài kia cũng nghĩ vậy. Với họ, được chung tay, cống hiến là trách nhiệm, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết của dân tộc. Đằng sau tuyến đầu, chúng tôi thực sự xúc động trước nhiệt huyết của các y, bác sĩ về hưu hỗ trợ công tác tiêm vắc-xin; sự xốc vác, tận tâm của các tổ trưởng tổ dân phố để chăm lo cho từng hộ dân, tấm lòng của các chị trong Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có mặt khắp các mặt trận… Mỗi người một công việc, cuộc sống riêng, nhưng tất cả đều chung mục tiêu là chiến thắng Covid-19, sớm đưa cuộc sống lại trạng thái “bình thường mới”.
Tác nghiệp an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch là điều quan trọng được Ban Biên tập, phóng viên Báo Đà Nẵng đặt lên hàng đầu. Trong ảnh: Phóng viên Xuân Dũng tác nghiệp tại khu vực lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Đam mê với nghề
Ngày 26-8-2021, cơ quan có quyết định đổi ca làm việc “3 tại chỗ”. Đợt này, Trần Mai Quế là nữ phóng viên duy nhất tham gia. Chị cho rằng, việc tham gia thể hiện trách nhiệm của bản thân với cơ quan, trách nhiệm với công việc; đồng thời là trải nghiệm đáng nhớ trong hành trang làm báo của mình. Chị Quế cũng như các đồng nghiệp của tôi, mỗi người đều trăn trở với nỗi niềm riêng. Có người phải gửi hai đứa con nhỏ của mình cho ông, bà chăm sóc vì cả hai vợ chồng đều đi “3 tại chỗ”, có người lâu nay quán xuyến mọi việc trong gia đình nên giờ lo lắng khi gánh nặng công việc dồn lên vai người ở lại…
Nhưng ai cũng xếp lại chuyện riêng, tập trung vào công việc. Phan Chung, phóng viên phòng Văn hóa - Xã hội tâm sự: “Ban đầu mỗi người đều có một nỗi lo nhưng rồi rất nhanh chúng tôi đều bị cuốn vào công việc, vào nếp sinh hoạt tập thể. Mỗi cá nhân ở cơ quan đã góp phần tạo nên một gia đình lớn”.
Những ngày “3 tại chỗ”, với sự nỗ lực của toàn thể Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên, nhân viên cơ quan, chất lượng công việc vẫn được bảo đảm, nhiều tin tức thời sự nóng hổi kịp thời cung cấp đến người dân. Theo thống kê từ ngày 16-8 đến 5-9 (20 ngày cao điểm chống dịch của thành phố), Báo Đà Nẵng đã xuất bản khoảng 500-600 tin, bài điện tử trên baodanang.vn. Trong đó, phần nhiều tin, bài, ảnh và video ghi nhận chuyển động của thành phố từ nhóm phóng viên tham gia “3 tại chỗ” của cả hai đợt. Có thể nói, việc thực hiện “3 tại chỗ” của cơ quan cơ bản đúng như mục tiêu đặt ra... |
Những ngày “3 tại chỗ”, với sự nỗ lực của toàn thể Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên, nhân viên cơ quan, chất lượng công việc vẫn được bảo đảm, nhiều tin tức thời sự nóng hổi kịp thời cung cấp đến người dân. Theo thống kê từ ngày 16-8 đến 5-9 (20 ngày cao điểm chống dịch của thành phố), Báo Đà Nẵng đã xuất bản khoảng 500-600 tin, bài điện tử trên baodanang.vn.
Trong đó, phần nhiều tin, bài, ảnh và video ghi nhận chuyển động của thành phố từ nhóm phóng viên tham gia “3 tại chỗ” của cả hai đợt. Có thể nói, việc thực hiện “3 tại chỗ” của cơ quan cơ bản đúng như mục tiêu đặt ra.
Ông Nguyễn Đức Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng cho biết, để chuẩn bị cho 2 đợt “3 tại chỗ”, lãnh đạo cơ quan cùng các phòng chuyên môn đã nhiều lần thảo luận về kế hoạch công tác, cũng như lên các phương án để bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên. Trong đó, lãnh đạo cơ quan đặc biệt quan tâm đến sự an toàn trong các hoạt động, tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.
Ngoài việc trang bị các phương tiện phòng, chống dịch đúng theo quy định, Ban Biên tập luôn theo dõi và nhắc nhở người lao động, phóng viên, đặc biệt là đội ngũ phóng viên thường xuyên tác nghiệp ở tuyến đầu. Đồng thời, lãnh đạo cơ quan luôn động viên tinh thần người lao động, cố gắng tạm gác việc gia đình, ở lại làm việc với quyết tâm cao để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những thời khắc đặc biệt ấy đã tạo nên những kỷ niệm khó quên trong hành trang của mỗi người, tạo động lực để chúng tôi ngày càng trưởng thành hơn, tự tin bước tiếp với nghề báo dù nhọc nhằn nhưng cũng rất vinh quang mà mình đã chọn.
“Có những bữa cơm không đúng giờ, những thời khắc đầy áp lực khi phải triển khai tin, bài nóng cho kịp tình hình thời sự lúc dịch bệnh nhưng chúng tôi dường như quên cả mệt mỏi, chỉ mong đưa đến cho bạn đọc những thông tin thời sự nóng hổi...”
TRỌNG HUY - VĂN HOÀNG - MAI QUẾ