Ngày 24-6, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo về quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đến dự.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho rằng, chất thải rắn xây dựng (xà bần, giá hạ...) tại các đô thị lớn, trong đó có thành phố Đà Nẵng chiếm 15-25% tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh tại đô thị. Tuy nhiên, phần lớn chất thải rắn xây dựng được đổ thải tại các bãi tập kết, lô đất trống, vỉa hè, các bãi chôn lấp...
Trong khi đó, thành phần chính của chất thải rắn xây dựng là cát, gạch, bê-tông... cần được tái chế và tái sử dụng hiệu quả và kinh tế trong xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đó giảm thiểu khối lượng chất thải rắn chôn lấp. UBND thành phố Đà Nẵng đã cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nghiên cứu, tiếp nhận kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế trong quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng; trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị xây dựng các định hướng, các giải pháp cụ thể để quản lý chất thải rắn xây dựng; đề xuất được mô hình quản lý cũng như các giải pháp quản lý, công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng...
Các giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã chia sẻ, giới thiệu một số mô hình, công nghệ tái chế chất thải rắn xây dựng và ứng dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng trong thi công mặt đường thấm nước. Dịp này, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ký kết thỏa thuận hợp tác kỹ thuật về quản lý chất thải rắn xây dựng và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới tái chế từ phế thải xây dựng.
HOÀNG HIỆP