Công tác phòng, chống tham nhũng mang lại niềm tin cho nhân dân

.

Ngày 30-6, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Một số ý kiến của người dân thành phố về vấn đề này.

* Đại tá Nguyễn Đình Chính, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố: Tăng cường kiểm soát quyền lực người đứng đầu

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương, các tỉnh, thành phố đã và đang thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC. Đây là chủ trương đúng nhằm ngăn chặn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thể hiện quyết tâm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong công tác này. Tuy nhiên, để Ban chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động hiệu quả cần giám sát có hiệu quả quyền lực người đứng đầu. Việc giám sát này đòi hỏi phải đồng bộ từ công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng đến hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước, báo chí... đến nhân dân; trong đó vai trò giám sát của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên hết sức quan trọng. Việc kiểm soát quyền lực phải được tiến hành thường xuyên và đồng bộ với các chủ thể nắm quyền lực trên tất cả các lĩnh vực. Chúng tôi tin tưởng với chủ trương đúng đắn này, công tác PCTNTC ở các địa phương trong cả nước ngày càng phát huy được tính tích cực, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.

* Ông Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố: Phải làm cho cán bộ không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng

Qua theo dõi các vụ án đã được Trung ương chỉ đạo xử lý thời gian qua, chúng tôi nhận thấy rằng vẫn còn nhiều kẽ hở của hệ thống pháp luật để các đối tượng lợi dụng móc nối và tham nhũng. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần phải hoàn thiện thể chế pháp luật, nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung của Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng chặt chẽ, mang tính răn đe cao, để cán bộ không dám tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác cán bộ cần phải được lựa chọn kỹ càng, có đạo đức, phẩm chất tốt, phải giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ luôn lấy nhân dân làm đối tượng phụng sự, qua đó không muốn tham nhũng. Chỉ có như vậy, tham nhũng, tiêu cực mới giảm mạnh trong thời gian tới.

* Bà Ngô Thị Tuyết Hồng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Hải Châu: Khẳng định quyết tâm lớn của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

10 năm qua, đặc biệt từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, công tác PCTNTC đã được Đảng, nhất là đồng chí trưởng ban chỉ đạo triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn, mang lại kết quả tích cực. Đặc biệt, công tác PCTNTC được thực hiện ngày càng mạnh mẽ hơn từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay. Điều này cho thấy công tác PCTNTC mà Đảng ta đang thực hiện là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nếu phát hiện là xử lý, tạo được niềm tin lớn của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

* Ông Lê Quý Hiệu, Tổ trưởng Tổ dân phố số 36, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ: Đà Nẵng rất quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo dõi thông tin từ báo chí, từ năm 2012-2022 các cơ quan điều tra của thành phố Đà Nẵng đã khởi tố 14 vụ án/33 bị can nhóm tội tham nhũng; Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã truy tố và chuyển Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý và xét xử sơ thẩm 7 vụ, với 28 bị cáo về tội phạm tham nhũng. Đặc biệt nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nổi cộm gây bức xúc dư luận đã được thành phố chỉ đạo xử lý quyết liệt điều đó cho thấy lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác này, nhằm củng cố, tạo niềm tinh của nhân dân vào chính quyền thành phố. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC do Bí thư Thành ủy làm trưởng ban, người dân thành phố hy vọng đây chính là “thanh bảo kiếm” ngăn chặn hiệu quả tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới…

* Ông Phạm Công Lương, Bí thư chi bộ Bình Phước 1, phường Thuận Phước (quận Hải Châu): Sự sáng suốt, tính đúng đắn từ chủ trương, quan điểm

Theo tôi, kết quả 10 năm về công tác phòng, chống tham nhũng và sau này là PCTNTC của Trung ương, đã thể hiện một cách toàn diện về sự sáng suốt, tính đúng đắn từ chủ trương, quan điểm, cách thức tổ chức, nhất là việc bố trí con người cụ thể tham gia trực tiếp bộ máy PCTNTC, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được nhân dân tuyệt đối tin tưởng và yêu quý. Quyết tâm cao của Đảng, tính nhân văn, tính đúng đắn, tính Đảng, tình người, cũng như sự chỉ đạo kiên trì, bài bản, khoa học, sắc bén, không nóng vội… đã thể hiện một cách rất đầy đủ, cụ thể qua sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư từ tổng thể cho đến từng vụ án cụ thể. Sự chỉ đạo, kết quả đạt được trong công tác PCTNTC suốt 10 năm qua như lời hiệu triệu đã truyền sức mạnh cho toàn dân, niềm tin cho mọi người dân.

* Ông Lê Anh Tuấn, người dân xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang): Tiếp tục phát huy kết quả đạt được

Với kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng suốt 10 năm qua của Trung ương cho thấy sự quyết liệt và hiệu quả, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cuộc đấu tranh PCTNTC. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn, công tác PCTNTC đạt được kết quả tích cực, với hàng loạt vụ án được giải quyết, hàng trăm người phải bị xử lý, nhưng vẫn phát sinh những vụ đại án mới, vẫn có nhiều cán bộ cấp cao đến cấp thấp vi phạm, vẫn “lờn thuốc” để đến mức độ phải chịu án phạt. Tôi mong thời gian tới, công tác PCTNTC tiếp tục được phát huy từ những kết quả đạt được. Ban chỉ đạo PCTNTC các cấp phải phát huy hiệu quả, với vai trò của người đứng đầu. Các cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, quản lý phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm.

N.PHÚ - T.HUY ghi

;
;
.
.
.
.
.