Hiện thành phố đã đầu tư và quản lý gần 14.000 căn chung cư nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quỹ nhà ở xã hội đang cạn dần trong khi nhu cầu lại tăng. Nguồn lực đầu tư hiện dựa vào nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nên nhiều dự án đầu tư mới bộc lộ sự lệch pha trong cung - cầu, lẫn sản phẩm bất động sản nhà ở.
Hiện thành phố chỉ có 120 căn hộ chung cư nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho đối tượng chính sách nên không thể đáp ứng hàng ngàn đơn xin thuê nhà ở xã hội do ngân sách thành phố đầu tư. TRONG ẢNH: Công ty CP Khu đô thị FPT Đà Nẵng đang đầu tư khu chung cư nhà ở xã hội thứ 3 để tạo ra hàng ngàn chỗ ở cho người lao động. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Lệch pha cung - cầu
Nhiều năm qua, thành phố hạn chế đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách nên quỹ nhà ở xã hội để bố trí căn hộ chung cư đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động… ngày càng ít trong khi nhu cầu tăng đều hằng năm. Thống kê từ Sở Xây dựng, sau đợt xét duyệt bố trí cho 67 hộ thuê chung cư nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 1793/QĐ-UBND ngày 24-4-2019, gần 3 năm qua, số trường hợp được thuê nhà ở xã hội chưa nhiều.
Tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND thành phố khóa X diễn ra trong tháng 7-2022, đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho biết: “Qua hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội rất lớn, nhất là các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay có gần 300 trường hợp hộ nghèo đặc biệt khó khăn về chỗ ở cần thuê nhà chung cư và hằng năm có hơn 1.000 đơn xin thuê nhà ở xã hội nhưng chưa được đáp ứng”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm ký ban hành Thông báo số 77/TB-MTTQ-BTT ngày 4-7-2022 về “Xây dựng chính quyền” gửi HĐND thành phố nêu: “Hiện nay, công nhân lao động trong các khu công nghiệp đang khó khăn, bức xúc về vấn đề nhà ở. Thực tế có nhiều công nhân ngoại tỉnh làm việc gần 20 năm trong khu công nghiệp nhưng vẫn phải thuê nhà trọ nên cuộc sống rất khó khăn. Thời gian đến, thành phố cần có chủ trương xây thêm chung cư nhà ở xã hội cho công nhân lao động thuê tương ứng với từng cụm khu công nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ công nhân mua nhà ở xã hội…”.
Trong căn trọ nhỏ, chật chội chưa đầy 15m2 tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, vợ chồng công nhân Lê Văn Nghĩa (32 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam) đang làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Cầm bày tỏ mơ ước có một ngôi nhà nhỏ là nhà ở xã hội. Thế nhưng thực tế, với mức lương chỉ đủ sống như hiện tại thì khó để thực hiện được mong muốn đó. Thành phố vẫn còn nhiều đối tượng chính sách khác cũng có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, vì vậy, đối tượng là công nhân lao động càng ít có cơ hội tiếp cận loại nhà ở này.
Theo nhiều công nhân, với đồng lương ít ỏi, eo hẹp cộng với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, những phòng trọ nhỏ với giá thuê thấp là lựa chọn hàng đầu của họ. Dù những năm qua, nhằm giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho công nhân, thành phố đã triển khai xây dựng, mở bán nhiều căn hộ chung cư nhà ở xã hội với giá ưu đãi. Song với hơn 126.000 công nhân, mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng, cùng với giá cả và những quy định riêng đối với từng đối tượng được thuê, mua nhà chung cư thì việc người lao động sở hữu một nơi để “an cư” là rất khó khăn.
Những con số minh chứng cho sự lệch pha cung - cầu và sản phẩm bất động sản nhà ở xã hội cho thấy, ngoài gần 14.000 căn chung cư nhà ở xã hội đã đưa vào khai thác từ vốn ngân sách thành phố thì đã có thêm 8 dự án nhà ở xã hội với 7.531 căn được đầu tư từ vốn ngoài ngân sách do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Trong số 7.531 căn chung cư ngoài ngân sách này, phần lớn là sản phẩm bất động sản thương mại nên đối tượng chính sách, công nhân lao động khó có nguồn lực tài chính để mua, thuê mua.
Hiện thành phố chỉ có 120 căn hộ chung cư nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho đối tượng chính sách nên không thể đáp ứng hàng ngàn đơn xin thuê nhà ở xã hội do ngân sách thành phố đầu tư. TRONG ẢNH: Khu chung cư Phong Bắc, quận Cẩm Lệ. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn
Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa X vừa qua, Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho hay, nhà ở xã hội của thành phố hiện có 2 nguồn: từ vốn ngân sách và ngoài ngân sách (doanh nghiệp). Trong đó, quỹ nhà ở xã hội lấy nguồn từ vốn ngân sách Nhà nước còn rất ít, chỉ khoảng 120 căn, được phân bố ưu tiên cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đối tượng chính sách khác.
Ông Phùng Phú Phong thông tin thêm, thành phố đang tiếp tục triển khai xây chung cư nhà ở xã hội với quy mô 209 căn cho người có công với cách mạng. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Đà Nẵng chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá phía tây thành phố (quận Liên Chiểu) với quy mô 728 căn. Đối với nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn thành 4 dự án, tổng quy mô 2.691 căn, dự kiến hoàn thành từ nay đến cuối năm 2025. Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục rà soát, tham mưu để đẩy nhanh chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển nhà ở và nhà ở xã hội.
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến đề nghị thành phố sớm nghiên cứu lộ trình giải quyết bán nhà cho các hộ đang thuê, đang ở để thu hồi ngân sách nhằm tái đầu tư nhà ở xã hội khác. Bên cạnh đó, thành phố cần có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư quan tâm thực hiện tái thiết, tái đầu tư các nhà ở hiện có theo hướng nâng tầng, nâng hệ số sử dụng đất và hiện đại hóa nhà ở xã hội. Ngoài ra, đối với kế hoạch phát triển nhà xây mới, thành phố cần rà soát, thống kê các trường hợp hộ nghèo, đặc biệt khó khăn về chỗ ở để xem xét đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách thành phố, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ thuê nhà chung cư cho nhóm đối tượng này.
Hiện nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương cũng tạo điều kiện cho việc phát triển quỹ nhà ở xã hội. Theo chuyên gia tư vấn bất động sản Trần Anh Quốc Cường (Hiệp hội Môi giới bất động sản miền Trung), cần phát huy vai trò “nhạc trưởng” từ phía chính quyền địa phương. Trong đó có việc công khai, công bố quy hoạch nguồn quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đa dạng các nguồn lực đầu tư để doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm đầu tư nhà ở xã hội.
Ví dụ, thời gian qua tại thành phố, Công ty CP Khu đô thị FPT Đà Nẵng đã đầu tư hàng ngàn căn hộ nhà ở xã hội. Việc này không chỉ giải quyết chỗ ở cho người lao động trong doanh nghiệp mà còn bổ sung nguồn nhà ở xã hội ở thành phố. Đặc biệt, kể từ ngày 15-7-2022, người lao động được phép tạm trú, lưu trú trong cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28-5-2022 của Chính phủ. Cơ sở lưu trú được xây dựng tại phần diện tích đất dịch vụ của khu công nghiệp; bảo đảm an ninh, trật tự và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để giải quyết tạm về vấn đề chỗ ở cho người lao động tiến đến triển khai quy hoạch, đầu tư nhà ở xã hội cùng các hạ tầng xã hội khác.
TRIỆU TÙNG