Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định: Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là văn kiện mang tính nền tảng, có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra cơ hội và động lực thúc đẩy phát triển thành phố Đà Nẵng thời gian đến.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: NGỌC PHÚ |
* Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống được 3 năm. Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả bước đầu thực hiện hiện nghị quyết này?
- Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Tổ công tác tham mưu, giúp việc và ban hành 12 chương trình, kế hoạch cụ thể hóa triển khai thực hiện nghị quyết. Đồng thời chỉ đạo Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban cán sự Đảng UBND thành phố tham mưu xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực về quy hoạch, thực hiện mô hình chính quyền đô thị, xây dựng mô hình cơ quan quản lý thống nhất, quản lý và thu hút đầu tư, tài chính - ngân sách, tín dụng và thuế, chính sách tiền lương, quản lý và phát triển đô thị, thực hiện các công trình trọng điểm có tính chất liên vùng.
Việc triển khai thực hiện nghị quyết trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và toàn hệ thống chính trị chủ động, nhanh chóng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, đồng thời, thực hiện quyết liệt 12 chương trình của Ban Thường vụ Thành ủy về cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW, qua đó đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được chú trọng, ngày càng đi vào chiều sâu; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được chú trọng hơn, tập trung vào các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm. Việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố đạt được một số kết quả bước đầu; công tác cán bộ có nhiều đổi mới.
Đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã chỉ đạo UBND thành phố ban hành 10 kế hoạch, chỉ đạo các sở, ngành liên quan bám sát và triển khai các nhiệm vụ được giao. Trong 523 nhiệm vụ của 10 kế hoạch, đến nay đã hoàn thành 88 nhiệm vụ đến hạn, đang triển khai 420 nhiệm vụ (trong đó có 241 nhiệm vụ thường xuyên hằng năm). Một số nhiệm vụ quan trọng, nổi bật đã hoàn thành đúng tiến độ, làm nền tảng cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW trong cả giai đoạn 2021-2030, đó là: tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành một số đề án, cơ chế, chính sách quan trọng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến dự án, đất đai... tạo điều kiện phát triển thành phố thời gian đến; các công trình, dự án động lực, trọng điểm được phối hợp triển khai và mang lại hiệu quả bước đầu.
Thành phố đang tập trung thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. TRONG ẢNH: Thành phố Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH |
* Qua 3 năm thành phố nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 43-NQ/TW, theo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn, vướng mắc đó là gì, thưa đồng chí?
- Nghị quyết số 43-NQ/TW đã đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2030 khá cao, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị (đơn cử GRDP tăng bình quân trên 12%/năm; thu ngân sách tăng trên 15%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.700 USD). Tuy nhiên, trong điều kiện, bối cảnh kinh tế chịu tác động nặng nề bởi Covid-19, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu trên rất khó đạt được; các dự án, công trình trọng điểm tạo động lực và sức bật cho Đà Nẵng chậm được triển khai.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực về tài nguyên, môi trường, sử dụng đất đai, xây dựng, trật tự đô thị còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đô thị năng động. Việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án còn chậm; một số công trình trọng điểm tuy được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ do vướng mắc trong công tác giải tỏa, đền bù. Cùng một lúc thành phố phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, điều tra, trong đó nhiều vướng mắc, khó khăn vượt thẩm quyền giải quyết nên đến nay kết quả thực hiện vẫn chưa đạt được như mong muốn; nhiều dự án phải tạm dừng và không tiếp tục triển khai, gây lãng phí, ách tắc trong khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, tâm lý nhà đầu tư.
Song song đó, việc phát triển tổ chức Đảng và đảng viên ở địa bàn dân cư, trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước gặp khó khăn, tỷ lệ phát triển đảng viên mới chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra. Công tác cán bộ còn một số vấn đề bất cập, việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ trong một số trường hợp vẫn còn bị động, thiếu sự chuẩn bị dài hạn. Việc triển khai các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, việc bước đầu thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố cũng gặp một số vấn đề lúng túng, thiếu chủ động, nhất là vấn đề ngân sách, phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị cấp quận, phường.
Thành phố đang tập trung thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. TRONG ẢNH: Thi công dự án tại tuyến đường Hồ Xuân Hương, Đà Nẵng. Ảnh: Thành Lân |
* Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành phố đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp gì trong thời gian tới?
- Thách thức từ việc thực hiện những chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43-NQ/TW là rất lớn khi đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay của khu vực, cả nước và thành phố, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán và thi hành các bản án đã kéo dài nhiều năm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là trong thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư của các dự án, ảnh hưởng lớn đến việc khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển thành phố, quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, gây tâm lý lo ngại về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
Trước những khó khăn trên, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nghị quyết đại hội các cấp gắn với với Nghị quyết số 43-NQ/TW và Thông báo số 02/TB-VPCP ngày 4-1-2022 của Văn phòng Chính phủ và ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy vào ngày 26-6-2022, nhất là đề xuất với Trung ương quy hoạch, định hướng, cơ chế, chính sách phát triển thành phố trong thời gian đến. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các nghị quyết, đề án của Thành ủy về xây dựng Đảng. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị gắn với đánh giá hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026, triển khai quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031.
Thành phố tập trung xây dựng mô hình, kịch bản tăng trưởng cụ thể, kể cả kịch bản chung của thành phố và của từng ngành, lĩnh vực bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết số 43-NQ/TW; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch thành phố, nhất là triển khai các dự án, công trình trọng điểm, trong đó có các dự án đóng vai trò liên kết và tạo động lực phát triển khu vực miền Trung.
Thành phố tiếp tục phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng con người Đà Nẵng văn minh, thân thiện, làm nền tảng xây dựng thành phố an bình, đáng sống; hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các Chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.
* Thành phố có những kiến nghị, đề xuất gì với Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển, thưa đồng chí?
- Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, sự nỗ lực của riêng Đà Nẵng là chưa đủ, chính vì vậy thành phố đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các cơ chế, chính sách phát triển thành phố nhằm tạo thêm nguồn lực cho Đà Nẵng đầu tư phát triển như: phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thành lập Trung tâm tài chính quy mô khu vực tại thành phố Đà Nẵng; Đề án thành lập Khu phi thuế quan; xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Đà Nẵng; phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia… Hỗ trợ thêm nguồn lực để thực hiện các dự án động lực, trọng điểm, liên vùng như: Dự án Nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; Tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (đoạn Hòa Liên - Túy Loan), các tuyến quốc lộ 14B, 14D, 14G…
Thành phố Đà Nẵng mong muốn Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng tham mưu cho các cấp có thẩm quyền phương án khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án; tạo điều kiện sớm đưa các nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố, tránh để kéo dài gây thất thoát lãng phí. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, Đà Nẵng mong muốn Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, xác lập vị thế, vai trò của thành phố Đà Nẵng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW đó là “Một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên”.
* Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
NGỌC PHÚ thực hiện