Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND thành phố, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố.
Các hội đã có nhiều đóng góp nổi bật, góp phần xây dựng và phát triển thành phố. TRONG ẢNH: Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng (bìa phải) trao giải Nhất hội họa cho học sinh tham gia trại sáng tác văn học, mỹ thuật thiếu nhi năm 2022. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Tích cực đóng góp trong lĩnh vực khoa học
Văn phòng Thành ủy cho biết, thành phố Đà Nẵng có 723 tổ chức hội, trong đó có 17 hội đặc thù (13 hội theo quy định của Trung ương, 4 hội đặc thù riêng của thành phố). Các hội đã tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nổi bật như phản biện xã hội, tiếp thu và ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật…
Là một trong 17 hội đặc thù được thành phố công nhận, trong những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (gọi tắt là Liên hiệp Hội) thành phố đã có nhiều đóng góp to lớn trong hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển thành phố. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Võ Công Trí cho biết, Liên hiệp Hội và các hội thành viên tập hợp đông đảo trí thức các ngành, lĩnh vực tham gia ý kiến đóng góp vào dự thảo các chủ trương, chính sách, văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước; tham mưu, đóng góp xây dựng pháp luật, hoạch định chủ trương, chính sách của cấp ủy và chính quyền; tích cực đóng góp vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đặc biệt, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội được Liên hiệp Hội xác định là một trong ba hoạt động quan trọng và được UBND thành phố giao thực hiện nhiều đồ án, dự án trên các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, môi trường và các dự án trọng điểm của thành phố. Từ năm 2015 đến 2019, Liên hiệp Hội đã tổ chức phản biện khối lượng lớn các đồ án quy hoạch đô thị có quy mô vừa và lớn, như Quy hoạch chuyên ngành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố, 7 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, các đồ án cho các khu công nghiệp, các cuộc thi quốc tế quy hoạch kiến trúc thành phố, đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050… “Các đề tài nghiên cứu, ý kiến của Liên hiệp Hội và các hội thành viên đóng góp xuất phát từ thực tiễn cuộc sống gắn với lao động và sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội đồng tình, lãnh đạo thành phố ghi nhận, đánh giá cao”, ông Võ Công Trí chia sẻ.
Hiện nay, Hội Nữ trí thức thành phố có hơn 5.000 nữ trí thức đang công tác tại các cơ sở giáo dục và cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó có khoảng 300 người có trình độ tiến sĩ và 40 người có học hàm giáo sư, phó giáo sư. Đội ngũ này luôn phát huy tốt vai trò trong tất cả các lĩnh vực công tác, đều có những “điểm nhấn” nổi bật, nhất là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn lực con người, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố cho biết, đội ngũ nữ trí thức của thành phố ngày càng có nhiều đóng góp hơn trong hoạt động này, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, lĩnh vực được cho là nam giới chiếm lợi thế.
“Phong trào lao động sáng tạo của đội ngũ nữ trí thức không ngừng phát triển, trong số 35 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn thành phố, tác giả nữ chiếm 23%. Giai đoạn 2016-2021, UBND thành phố khen thưởng 568 công trình, giải pháp, sáng chế và bài báo khoa học, trong đó có 109 đề tài do nữ chủ trì. Những sáng kiến, sáng chế, giải pháp kỹ thuật này đã và đang được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng công việc”, Tiến sĩ Vũ Thị Bích Hậu nói.
Góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Các tổ chức hội trên địa bàn thành phố thời gian qua tăng cường quan hệ hữu nghị, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực và tăng cường công tác đối ngoại nhân dân; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách của thành phố về an sinh xã hội. Nhiều nội dung, phong trào, hoạt động là điểm sáng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát triển thành phố…
Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 200 hội viên đang sinh hoạt. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Lê Quang Á cho biết, Hội Nhà báo đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ nhà báo từ bồi dưỡng nghiệp vụ đến bảo vệ quyền lợi cho nhà báo. Qua theo dõi, các hội viên hoạt động đúng theo quy định của Luật Báo chí, tuyên truyền tốt các chủ trương, chính sách của thành phố đến với người dân. Đặc biệt, hội đã tổ chức chương trình “Ly cà phê yêu thương” quyên góp kinh phí ủng hộ của các nhà hảo tâm để thực hiện các hoạt động từ thiện, xã hội, trao học bổng. Bên cạnh đó, hội tích cực hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, góp phần quan trọng cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐDC) thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp các nạn nhân chất độc da cam vượt qua nỗi đau. Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố Tô Năm cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19 nhưng Thành hội, các trung tâm trực thuộc và các cấp hội ở cơ sở vận động được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hơn 6 tỷ đồng để giúp đỡ, chia sẻ các nạn nhân chất độc da cam. Bên cạnh đó, Hội NNCĐDC thành phố nuôi dưỡng bán trú gần 110 em da cam tại hai cơ sở thuộc hội, qua đó đào tạo nghề may, làm hoa, kết cườm, làm hương và dạy văn hóa nhằm giúp các em vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Từ năm 2016 đến nay, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã vận động hàng trăm tỷ đồng để trợ giúp cho hơn 550.000 lượt người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và những người yếu thế trong và ngoài thành phố, góp phần thực hiện các chương trình “Thành phố 4 an”, “5 không, 3 có”; thực hiện tốt phong trào hiến máu tình nguyên và vận động hiến mô, hiến tạng với trên 172.000 đơn vị máu và hơn 400 người đăng ký hiến mô, hiến tạng…
NGỌC PHÚ