Tình trạng cháy xảy ra tại nhà liền kề trong khu dân cư; nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây hiệt hại lớn về người và tài sản. Theo lực lượng phòng cháy và chữa cháy, nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống điện và sơ suất của người dân trong sử dụng lửa, xăng dầu, khí đốt, hóa chất…
Ngày 7-8-2022, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố tiến hành chữa cháy tại cửa hàng Mẹ và bé nằm trên tuyến đường Lê Văn Hiến (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: LÊ HÙNG |
Nguy cơ cháy nổ tại nhà ở kết hợp kinh doanh
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an thành phố, qua khảo sát gần 6.700 nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng nhận thấy, phần lớn đều có điểm chung là tận dụng tối đa diện tích để chứa hàng hóa, hầu hết hàng hóa dễ cháy. Lối thoát hiểm ở tầng dưới được lắp đặt kiên cố bằng cửa cuốn, cửa sắt và lối thoát hiểm tầng trên bị biển hiệu, biển quảng cáo che kín. Bên cạnh đó, những nhà này sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt rất nhiều, cách sử dụng nguồn điện chưa bảo đảm an toàn. Đặc biệt, ban đêm, toàn bộ phương tiện như xe máy, thậm chí ô-tô đều được đưa vào nhà…
Qua ghi nhận thực tế, đa số nhà ở kết hợp kinh doanh chủ yếu phân bố tại các quận nội thị, xung quanh các chợ, các tuyến phố kinh doanh mua bán loại hàng hóa dễ cháy như: quần áo, giầy dép, bông vải sợi, vàng mã, hóa chất, thu mua phế liệu, cửa hàng tiện ích... Có nhiều nhà tận dụng mặt tiền để đặt các bảng quảng cáo, lắp đặt các lớp cửa, lồng sắt bảo vệ kiên cố vô tình che kín ban công, cửa sổ. Vì vậy, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra không những không thể thoát nạn nhanh chóng, kịp thời mà còn gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ của lực lượng chức năng...
Chị B.T.K.C (35 tuổi, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Lê Duẩn) cho biết: “Tôi thuê tầng 1 buôn bán, còn tầng 2 chủ nhà ở. Diện tích nhỏ nhưng thuê với giá đắt đỏ nên phải tận dụng tối đa để nấu nướng cũng như chứa hàng hóa và những vật dụng thiết yếu sinh hoạt hằng ngày...”.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố, đặc điểm nhà ở mặt phố kết hợp kinh doanh phần lớn xây dựng hình ống liền kề và không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC; không có lối thoát dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, đặc biệt không có giải pháp chống khói tụ. Trong điều kiện kinh doanh tại địa điểm chật, hẹp lại gần nơi đun nấu, thờ cúng, nếu có sơ suất trong sử dụng lửa hoặc sự cố chập điện, rò rỉ khí gas rất dễ phát sinh cháy. Khi xảy ra cháy, lửa sẽ bùng phát nhanh, khó kiểm soát được, gây khó khăn cho công tác cứu người, cứu tài sản...
Cảnh giác cháy tại các kiệt, hẻm
Tại một số khu dân cư trên địa bàn thành phố, có nhiều nhà diện tích nhỏ nằm sâu trong kiệt hẻm với mạng lưới dây điện chằng chịt, áp sát nhau, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất lớn. Theo ghi nhận, những ngôi nhà trong kiệt, hẻm được thiết kế dạng nhà ống, chỉ duy nhất một lối thoát hiểm tại cửa chính. Vào sâu các kiệt trên đường Hải Phòng, Điện Biên Phủ, Trần Cao Vân..., cứ hơn chục mét lại có một ngã rẽ và lối đi chỉ vừa đủ hai xe ngược chiều né nhau. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn tận dụng lối đi của kiệt, hẻm dựng xe máy, thậm chí đem lò than ra nấu nướng. Điều này càng khiến nguy cơ cháy, nổ càng dễ xảy ra và việc thoát hiểm thêm phần khó khăn.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố, tại các khu dân cư, hệ thống điện dây điện thường xảy ra quá tải, nhất là mùa nắng nóng. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt hộ kinh doanh, sản xuất chưa tuân thủ các quy tắc an toàn trong sử dụng điện như: dây điện được câu móc tùy tiện, hệ thống dây dẫn tải mục, lão hóa; nhiều hộ gia đình dùng chung một đồng hồ điện, thiết bị tiêu thụ điện có chất lượng kém dễ xảy ra quá tải va chạm, chập dẫn đến cháy, nổ. Ngoài ra, tại cột điện có nhiều dây dẫn đấu chằng chịt gây mất an toàn về PCCC.
“Ngoài việc trang bị thiết bị chữa cháy xách tay, mỗi căn nhà phải có ít nhất hai lối thoát nạn; đồng thời, không để vật dụng, hàng hóa dễ cháy ở lối thoát hiểm. Thế nhưng, những yêu cầu này thường bị bỏ quên. Vì vậy, những năm qua, cháy ở khu dân cư vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, hơn 60%”, Thượng tá Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Trang bị, sử dụng thành thạo thiết bị chữa cháy
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, người dân cần chủ động tìm hiểu để có kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH; sắp xếp hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m; không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, thoát nạn. Đồng thời, không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Đặc biệt, trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy xách tay; phương tiện phá mái che, phá khóa, phá cửa; thang dây...
“Trường hợp không còn lối thoát nào khác thì dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy nhanh nhất. Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không làn được vào phòng đang ở, di chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu cho những người xung quanh được biết. Tuyệt đối không núp trong phòng, dưới gầm giường, nhà vệ sinh…”, Thượng tá Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu Giám đốc Công an thành phố triển khai mô hình tổ liên gia an toàn PCCC. Mô hình này nhằm phát huy tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, gồm: lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân - chỉ huy ở trong dân. Nghĩa là lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, thực hiện công tác PCCC.
LÊ HÙNG