Chủ động ứng phó, bảo đảm nguồn nước từ sớm, từ xa

.

Vừa qua, tại tỉnh Quảng Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức khởi công dự án đầu tư 2 hệ thống quan trắc môi trường nước tự động liên tục trên lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn, đây là dự án hợp tác giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.

Sự kiện này càng có ý nghĩa khi chỉ 1 ngày sau (ngày 29-7), Bộ Tài nguyên và Môi trường lần đầu tiên công bố Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2026-2021 với cảnh báo về tình trạng suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt, khan hiếm nước diễn ra ở nhiều nơi và đang đứng trước nguy cơ “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn” cùng vấn đề xâm nhập mặn đang diễn ra ở hầu hết các cửa sông ven biển, trong đó có lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Những năm qua, ngoại trừ trạm đo mực nước tại trạm bơm phòng mặn An Trạch (thượng lưu đập dâng An Trạch) do Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) vận hành là có thể tự động cập nhật liên tục với tần suất 15 phút/lần, công chức, chuyên viên của các sở, đơn vị của thành phố phải theo dõi số liệu quan trắc mực nước của các trạm quan trắc mực nước sông Vu Gia từ các đơn vị khác ở trong và ngoài thành phố.

Tuy nhiên, những số liệu này được cập nhật không liên tục, quan trắc với tần suất 1 giờ/lần hoặc 3 giờ/lần, 6 giờ/lần, 12 giờ/lần, thậm chí là có lúc cập nhật 24 giờ/lần và nhiều lúc không cập nhật. Vì thế, các sở, đơn vị chức năng của thành phố gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt tình hình về nguồn nước để chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn và bảo đảm nguồn nước để sản xuất, cấp nước cho thành phố.

Các sở, đơn vị của thành phố chỉ đạo thường xuyên theo dõi số liệu từ trạm quan trắc chất lượng nước tự động cập nhật liên tục 15 phút/lần tại khu vực thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ với 3 chỉ tiêu là nồng độ mặn, độ pH và độ đục (có đo thêm nồng độ Clorua dư trong nước sau xử lý và cấp vào mạng lưới đường ống).

Ngoài ra, theo định kỳ, các đơn vị thực hiện quan trắc chất lượng nước ở các địa điểm dọc theo lưu vực sông Vu Gia nhưng tần suất không thường xuyên. Điều này gây ra nỗi lo về bảo đảm chất lượng nguồn nước cấp cho thành phố khi ở thượng nguồn thường hay xảy ra tình trạng khai thác vàng; tốc độ đô thị hóa nhanh ở huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; cùng các hoạt động kinh tế - xã hội đang diễn ra mạnh ở dọc sông Vu Gia đi kèm với nguồn thải, xả thải gia tăng...

Việc đầu tư các trạm quan trắc mực nước và chất lượng nước tự động trên lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn được các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan của thành phố Đà Nẵng lên ý tưởng và đề xuất từ năm 2016, bởi nguồn nước của thành phố phụ thuộc quá lớn vào sông Vu Gia.

Hiện thành phố đang khai thác 92% trữ lượng nguồn nước thô từ sông Vu Gia và trong tương lai, dù có tăng cường khai thác nước thô từ các sông nội tỉnh nhưng vẫn phải khai thác 60% trữ lượng nước từ sông Vu Gia và Thu Bồn.

Trong bối cảnh trữ lượng nguồn nước sông ngày càng suy giảm và nhiều nỗi lo về chất lượng nguồn nước, việc thành phố Đà Nẵng chủ động phối hợp với tỉnh Quảng Nam đầu tư 2 hệ thống quan trắc môi trường nước tự động liên tục trên lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó các sự cố về nguồn nước cho thành phố từ sớm và từ xa.

Theo đó, 2 trạm quan trắc này cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng về các thông số môi trường, như: mực nước, nồng độ pH, nhiệt độ, DO, độ đục, phốt pho tổng, độ mặn... và được truyền tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Khi giá trị của các thông số vượt ngưỡng thì hệ thống sẽ tự động gửi cảnh báo đến cán bộ trực tiếp phụ trách và kịp thời ứng phó, xử lý sự cố, bảo đảm cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho hai địa phương.

Hai trạm này sẽ được thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2023, năm được dự báo quay trở lại hiện tượng El Nino sẽ giúp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ứng phó một cách chủ động từ sớm và từ xa các sự cố về nguồn nước.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.