Sớm xử lý tình trạng sạt lở, đá lăn ở bán đảo Sơn Trà

.

Trên tuyến đường Hoàng Sa đoạn qua bán đảo Sơn Trà (đoạn từ tuyến đường Lê Văn Lương đến Bãi Bắc, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có 6 đoạn đường có nguy cơ xảy ra sạt lở. UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm triển khai xử lý tạm, bảo đảm an toàn cho người dân, du khách lưu thông trên tuyến đường Hoàng Sa.

Lực lượng chức năng xử lý khối đá lớn lăn xuống tuyến đường Hoàng Sa sau đợt mưa lớn vào cuối tháng 12-2021. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lực lượng chức năng xử lý khối đá lớn lăn xuống tuyến đường Hoàng Sa sau đợt mưa lớn vào cuối tháng 12-2021. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trong những ngày 14-4 và 9-5-2022, dù đang giữa mùa nắng và trời không mưa nhưng từ vách núi (taluy dương) ở giữa hai trụ điện chiếu sáng số 60 và 59 thuộc tuyến đường Hoàng Sa, có nhiều tảng đá rơi xuống bất thường, đập vào tường kè chắn được xây dựng bằng bê-tông, gây hư hỏng kè, rồi lăn xuống mặt đường (có tảng đá lăn xuống đường khoảng 1m3).

Đáng nói là theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 24-7 tại đoạn đường này xảy ra 2 lần sạt lở, đá lăn nói trên, có nhiều người dân, du khách dừng chân thư giãn, ngắm cảnh, chụp ảnh... mà không biết tại khu vực này mới xảy ra đá lăn 2 lần. Đoạn đường nói trên có chiều dài hơn 650m, có nguy cơ xảy ra đá lăn xuống do mái taluy dương cao, độ dốc lớn, bề mặt trơ đá lẫn ít cây bụi, các vỉa đá tảng khối lớn..., trong khi tường chắn bê-tông ở chân taluy dương chỉ cao 1,5m. 

Ngoài ra, ở gần đó, tại đoạn đường từ trụ điện số 177 đến 183 (dài khoảng 400m), dù có tường chắn bằng bê-tông ở chân mái taluy cao đến 30m và phía trên cao là có các lưới thép B40, dây cáp để chắn đá nhưng một số vị trí đã chứa đá hoặc hư hỏng do đá lăn. Còn tại vị trí sát chân trụ điện số 115, vào ngày 28-12-2021, do ảnh hưởng của mưa lớn nên đã xảy ra sạt lở đất, đá với chiều dài 20m, đặc biệt là có một khối đá rất lớn lăn xuống tuyến đường Hoàng Sa. Sau khi giải phóng đất, đá trên mặt đường, các đơn vị chức năng đã phải đặt các rọ đá ở chân mái taluy với chiều cao 1,5m làm tường chắn.

Trước tình trạng trên, vào giữa tháng 4-2022, Sở Giao thông vận tải giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông Đà Nẵng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, đề xuất phương án xử lý tình trạng sạt lở, đá lăn trên taluy dương tuyến đường Hoàng Sa. Sau khi khảo sát, các đơn vị đã xác định được 6 đoạn đường có nguy cơ sạt lở taluy dương, đá lăn xuống đường với tổng chiều dài 1.835m. Theo đó, ngoài 3 đoạn đường nói trên với tổng chiều dài 1.235m, còn 3 đoạn đường có nguy cơ xảy ra sạt lở taluy dương, đá lăn xuống tuyến đường Hoàng Sa với tổng chiều dài 600m. Nguyên nhân ban đầu được xác định là các lớp đá hiện trạng ở taluy dương bị phong hóa kết hợp ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, dẫn đến xuất hiện tình trạng đá lăn gây mất an toàn.

Cùng với việc khảo sát, đề xuất hướng xử lý, Sở Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo đơn vị quản lý tuyến đường Hoàng Sa chủ động xử lý tạm tại khu vực giữa 2 trụ điện số 60 và 59 bằng phương pháp sử dụng nhân công đánh tẩy một số tảng đá có nguy cơ lăn xuống tuyến đường nhằm bảo đảm an toàn; đồng thời lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm “Đá lở” tại các vị trí nguy hiểm dọc tuyến đường Hoàng Sa.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông Đà Nẵng Trương Bằng Linh, mới đây, UBND thành phố thống nhất chủ trương xử lý tình trạng đá lăn xuống tuyến đường Hoàng Sa tại bán đảo Sơn Trà. Trước mắt, UBND thành phố thống nhất xử lý tạm thời bằng giải pháp sử dụng nhân công kết hợp thiết bị hỗ trợ dọn dẹp, phá bỏ, đánh tẩy các tảng đá bị phong hóa có nguy cơ lăn xuống đường ở vị trí xảy ra sạt lở taluy dương, đá lăn xuống đường (vào ngày 14-4, 9-5) và xung quanh. Còn các đoạn có nguy cơ sạt lở taluy dương, đá lăn khác dọc tuyến đường Hoàng Sa, UBND thành phố cũng thống nhất giải pháp xử lý trước mắt như: sửa chữa các lưới chắn đá bị hư hỏng cục bộ, bổ sung tường chắn bằng rọ đá, bổ sung tường kết hợp lưới, cáp chắn đá....

“Hiện chúng tôi đang triển khai chủ trương của UBND thành phố về xử lý tạm, chằng chống lại tại các vị trí nguy hiểm để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, vẫn phải có thời gian và chờ thực hiện các thủ tục rồi mới triển khai xử lý. Còn về lâu dài, UBND thành phố đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư công trình xử lý đá lăn xuống tuyến đường Hoàng Sa tại bán đảo Sơn Trà để triển khai xử lý kiên cố”, ông Trương Bằng Linh cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về biện pháp cảnh báo, khuyến cáo người dân, du khách không vui chơi, giải trí tại khu vực đối diện với vị trí xảy ra sạt lở taluy dương, đá lăn xuống tuyến đường Hoàng Sa vào ngày 14-4 và 9-5, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và dựng các bảng cảnh báo du khách để bảo đảm an toàn.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.