Lũ quét thường xuất hiện trên sông Cu Đê trong thời gian rất nhanh nhưng vào thời điểm này vẫn còn 5 hộ dân ở trong phạm vi ảnh hưởng của lòng hồ chứa nước tại đập dâng Nam Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) khi có lũ lớn vẫn chưa di dời. Trong khi đó, diện tích và chiều sâu ngập lũ ở các thôn Nam Yên, An Định (xã Hòa Bắc) và Trường Định (xã Hòa Liên) tăng lên do tác động bởi đô thị hóa ở hạ lưu sông Cu Đê, đòi hỏi các địa phương, đơn vị phải chủ động ứng phó với lũ quét.
Các van của đập dâng Nam Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) được kéo lên để sẵn sàng chống lũ. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Hiện nay, công trình đập dâng Nam Mỹ đã bước vào thời kỳ vận hành mùa lũ chính thức đầu tiên. Cả 12 cửa van chắn các khoang tràn giúp tạo thành lòng hồ đã được kéo lên để sẵn sàng chống lũ. Tuy vậy, 5 hộ dân ở cách đập dâng 450m về phía thượng lưu đang thấp thỏm, lo bị ngập sâu trong mùa lũ năm nay.
Ông Bùi Văn Hà (trú thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc) lo lắng nói: “Năm ngoái, khi công trình đập dâng chưa hoàn thành, lũ dâng cao khoảng 8m đã gây ngập sân vườn sau nhà tôi. Năm nay, công trình đã hoàn thành nên người dân lo bị ngập sâu hơn. Gia đình tôi nằm trong diện giải tỏa lòng hồ của đập dâng Nam Mỹ nhưng đến nay vẫn chưa có đất tái định cư thực tế để xây dựng nhà. Gia đình tôi động viên nhau hễ có mưa lớn thì lập tức sơ tán đến vùng cao hơn để bảo đảm an toàn. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm thi công hoàn thành Khu dân cư trung tâm xã Hòa Bắc để nhận đất, xây dựng nhà ở”.
Còn ông Võ Minh (trú cùng thôn Nam Mỹ) cho hay: “Nền nhà tôi có cao trình 10m, còn thấp hơn mực nước lũ của đập dâng Nam Mỹ (10,78m). Những năm trước, khi xảy ra lũ lớn thì nước đã ngập đường. Năm nay, người dân lo ngại nếu có xảy ra lũ lớn tương tự thì còn bị ngập sâu hơn do ảnh hưởng bởi đập dâng. Gia đình tôi được bố trí đất tái định cư ở Khu dân cư trung tâm xã Hòa Bắc nhưng chưa có đất thực tế, mà xin đổi đất về Khu tái định cư Nam Mỹ thì chưa được chấp thuận. Để chủ động ứng phó với lũ quét về nhanh, gia đình tôi đã sơn, sửa lại một căn nhà ở bên kia đường ĐT.601, nền nhà cao hơn mặt đường khoảng 2m để sẵn sàng sơ tán người, tài sản có giá trị qua đó nhanh chóng”.
Qua phản ánh của người dân ở thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc) và thôn Trường Định (xã Hòa Liên), những năm gần đây, lũ quét trên sông Cu Đê có xu hướng dâng lên gây ngập nhanh hơn. Người dân lo lắng về lũ dâng cao bất thường, dòng chảy đột biến trên sông Cu Đê do vận hành đập dâng Nam Mỹ. Theo UBND xã Hòa Bắc, xã đã triển khai phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, trong đó có lũ, ngập lụt và sạt lở đất, đặc biệt là lũ quét. Lực lượng dân quân thường trực xã đã được tổ chức huấn luyện bổ sung công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông nhằm ứng phó với mưa lũ trên sông trong mùa mưa bão năm nay.
Riêng đối với các hộ giải tỏa còn sinh sống trong phạm vi lòng hồ của đập dâng Nam Mỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân cho rằng: “Do chưa có đất tái định cư thực tế để bố trí nên các hộ giải tỏa còn ở lại khu vực này. Địa phương đã hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ dân. Khi có xảy ra mưa, lũ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét của sông Cu Đê thì các hộ này sơ tán đến nơi ở cao ráo, an toàn, nhằm bảo đảm an toàn”.
Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của đô thị hóa đến tình hình ngập lụt lưu vực sông Cu Đê của TS. Tô Thúy Nga, Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, qua mô phỏng lũ theo 2 trận lũ lớn xảy ra vào năm 1999 (trận lũ quét lớn nhất từ trước đến nay trên sông Cu Đê) và năm 2009, khi có đô thị hóa thì mức độ ngập lụt tăng lên khoảng 12km2. Chính vì có vùng đắp đất lên cản lũ nên các vị trí tăng ngập khá lớn (tăng ngập cục bộ), nhất là tại thôn Trường Định tăng ngập từ 1,5-2m, đoạn kênh Thủy Tú tăng cao nhất đến 0,75m và tại 2 thôn Nam Yên, An Định tăng cao nhất đến 0,75m. “Việc đô thị hóa tại lưu vực sông Cu Đê hiện nay đã làm thay đổi hướng dòng chảy từ thượng lưu về gây ngập lụt cục bộ tăng lên nên cần phải có phương án phòng, chống thiên tai ứng phó phù hợp”, TS. Tô Thúy Nga nói.
Vận hành hồ của đập dâng Nam Mỹ không gây dòng chảy đột biến, bất thường Việc ban hành lệnh vận hành hồ phải trước ít nhất 1 giờ tính từ thời điểm mở cửa xả đầu tiên, trừ các trường hợp khẩn cấp, bất thường. Trong trường hợp đặc biệt, khi van ở các khoang tràn đã mở hoàn toàn mà mực nước trong hồ đạt 10m và bắt đầu ảnh hưởng đến các vùng dân cư ở thượng du hồ, thì đơn vị quản lý, vận hành phải có biện pháp khẩn cấp; thông báo cho UBND xã Hòa Bắc, UBND huyện Hòa Vang và nhân dân ở các thôn thuộc xã Hòa Bắc; báo cáo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố kịp thời có biện pháp cho hạ mực nước hồ để bảo đảm an toàn cho công trình và chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó khác bảo đảm an toàn cho vùng hạ du... |
HOÀNG HIỆP