Bảo vệ rừng và đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà không chỉ để phát triển rừng bền vững mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo, góp phần quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch. Cần giữ gìn sự bền vững, phát huy tính đa dạng sinh học, đặc thù trên bán đảo Sơn Trà nhằm bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.
Bán đảo Sơn Trà có tính đa dạng sinh học cao và hệ sinh thái đặc thù. TRONG ẢNH: Voọc chà vá chân nâu, nữ hoàng loài linh trưởng đang sinh sống trên bán đảo Sơn Trà. (Ảnh do GreenViet cung cấp) |
Tính đa dạng sinh học cao và đặc thù
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) cho biết, bán đảo Sơn Trà có tính đa dạng sinh học cao và đặc thù của hệ sinh thái bán đảo. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng loài thực vật trên bán đảo Sơn Trà chiếm 14% hệ thực vật cả nước; số lượng chim di cư chiếm 13,2% tổng số loài chim di cư của Việt Nam; hệ sinh vật biển đa dạng, phong phú với hơn 50 loài san hô, độ phủ san hô có nơi lên đến 50% diện tích; một số loài có quần thể kích thước lớn có thể kể đến như: khỉ, voọc chà vá chân nâu… Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng nằm ở vị trí giao giữa hai miền bắc và nam nên hệ động, thực vật có tính đặc thù của của cả hai miền. Theo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn là 3.791ha; trong đó, diện tích đất có rừng là hơn 3.685ha, tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2021 đạt 58,06%. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang có tổng số 1.679 loài động, thực vật; trong đó có 10 loài thực vật, 58 loài động vật được xác định nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu được xác định theo “danh lục đỏ” của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), Sách đỏ Việt Nam, Công ước CITES… Đặc biệt, theo nghiên cứu và khảo sát thực tế, có 720 cá thể voọc chà vá chân nâu trên tổng số 88 đàn tại khu bảo tồn.
Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, dự án bảo tồn trong nhiều năm qua; huy động được nhiều nguồn lực quản lý, bảo vệ rừng, sự tham gia của cộng đồng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy vậy, công tác bảo tồn ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, ô nhiễm tiếng ồn, sự xâm lấn của cây bìm bìm, hoạt động du lịch thiếu kiểm soát…
Ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho rằng, cần phải ưu tiên bảo vệ nguyên vẹn giá trị, tài nguyên hệ sinh thái rừng hiện có trên bán đảo; bảo tồn các loài thuộc danh mục loài thực vật, động vật nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ; nhân giống, gây trồng, phát triển nguồn gen một số loài đặc hữu; điều tra, đánh giá tổng thể hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn. Bên cạnh đó, cần đầu tư để triển khai các hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, nâng cao chất lượng rừng đối với các diện tích rừng nghèo; áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý, giám sát rừng; thực hiện các nghiên cứu khoa học xây dựng cơ sở dữ liệu nền về đa dạng sinh học...
Hài hòa với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng cho rằng, bên cạnh những giải pháp quy hoạch chi tiết để khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên Sơn Trà, đặc biệt cần xem xét kết nối tổng thể phần bán đảo và vùng bờ biển khu vực này. Các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, thực hiện tuyên truyền, vận động người dân triển khai các biện pháp phục hồi các hệ sinh thái, bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm; tăng cường kiểm soát nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; quản lý sinh vật ngoại lai. Mặt khác, cần thiết lập, thúc đẩy xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải...
Theo ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, để phát triển hài hòa giữa du lịch và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cần tuân theo quy luật tự nhiên. Theo đó, cần hạn chế tối đa các công trình cố định tác động xấu đến tài nguyên và môi trường; ưu tiên xây dựng các khu vực bảo tồn các giống cây bản địa của Sơn Trà; nhân giống các loại hoa, cây thuốc vừa thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá vừa bảo tồn được các loài thực vật đặc hữu. Mặt khác, cần tổ chức các chương trình giáo dục môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn voọc chà vá chân nâu, hệ thống cây cổ thụ và các loại sinh vật cảnh trong khu vực...
Ông Trần Hữu Vỹ cũng đề xuất để tránh tạo ra xung đột giữa việc bảo tồn thiên nhiên và khai thác du lịch sinh thái, thành phố cần có quy hoạch tổng thể và chi tiết phù hợp cho cả bán đảo Sơn Trà. Đối với các hoạt động du lịch trên bán đảo Sơn Trà cần kiểm soát chặt chẽ hơn, có thể thí điểm thu phí tham quan bán đảo Sơn Trà để phục vụ cho công tác bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái… Việc phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà trong tương lai cần hạn chế thấp nhất việc bê-tông hóa, kể cả xây dựng các công trình phục vụ cho du lịch, bảo tồn; hạn chế âm thanh, tiếng ồn, ánh sáng về đêm để tránh ảnh hưởng đối với động, thực vật trên bán đảo. Đặc biệt, cần sớm hình thành trung tâm diễn giải về môi trường, giáo dục thiên nhiên tích hợp với việc đón tiếp du khách để tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ Sơn Trà và phục vụ cho công tác đánh giá, nghiên cứu để bảo tồn bền vững.
“Về lâu dài, cần tái thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, kể cả quản lý khu vực biển xung quanh bán đảo và xây dựng quận Sơn Trà thành khu dự trữ sinh quyển để tạo sự hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát triển”, ông Vỹ nói.
VĂN HOÀNG