Thời gian qua, cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở, tuyến đường có hành vi hoạt động mại dâm đứng đường đón khách, qua đó, góp phần ngăn ngừa và xử lý kịp thời hoạt động mại dâm trên địa bàn. Nhờ vậy, tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn thành phố được kiềm chế.
Hiện tượng người bán dâm hoạt động công khai, đứng đường mời chào khách tuy vẫn còn, nhưng lực lượng công an cùng các ngành, đơn vị liên quan đã tập trung truy quét, đẩy đuổi, nên tình trạng này không còn phổ biến thường xuyên như trước. Hoạt động của người bán dâm hiện nay chủ yếu lợi dụng các loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện như: karaoke, massage, khách sạn... Công an thành phố đã có nhiều biện pháp quản lý để ngăn chặn sự phát sinh của loại tội phạm này.
Ngoài ra, hằng năm các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động…, mời các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm ký cam kết không để tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ sở mình quản lý. Bên cạnh đó, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố, các cơ quan chức năng của các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra các tuyến đường có hoạt động mại dâm đứng đường đón khách, nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời đối tượng hoạt động mại dâm tại các khu vực này.
Trong 6 tháng đầu năm, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp tổ chức kiểm tra, khảo sát tình hình hoạt động của 79 cơ sở. Qua kiểm tra phát hiện 1 cơ sở vi phạm, đề nghị đình chỉ kinh doanh và xử phạt số tiền 35 triệu đồng. Các cơ quan chức năng tổ chức tấn công triệt phá 6 vụ tệ nạn mại dâm gồm 22 đối tượng, khởi tố 1 vụ; xử lý hành chính 21 đối tượng. Nhờ vậy đã góp phần làm giảm tệ nạn mại dâm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, một số mô hình phòng, chống mại dâm đã được duy trì và hoạt động hiệu quả. Đơn cử như mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS” của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai tại 5 phường: Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), An Khê (quận Thanh Khê) và các phường Hòa An, Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Mô hình này đã giúp phụ nữ chuyển biến về nhận thức, ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, kiểm chế gia tăng hành vi mua bán dâm.
Hiện nay, các địa phương, đơn vị cũng đã xây dựng được một số phong trào, mô hình hiệu quả như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; phong trào “Tuổi trẻ chung tay đẩy lùi tệ nạn xã hội” của Thành Đoàn… Các cuộc vận động, phong trào, mô hình... đã góp phần tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nâng cao trách nhiệm phòng ngừa tác hại của tệ nạn mại dâm và tạo được sự đồng thuận trong việc đấu tranh với các tệ nạn xã hội nói chung và tệ nạn mại dâm nói riêng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thủ đoạn hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi, biến tướng. Ngoài việc sử dụng nhiều phương tiện thông tin liên lạc để tìm khách mua dâm, các đối tượng còn hoạt động nhiều nơi, trá hình dưới nhiều hình thức qua các trang mạng xã hội như: zalo, facebook, hoạt động khép kín, chặt chẽ khó phát hiện.
Nhằm đẩy lùi tệ nạn mại dâm trên địa bàn, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, cùng với công tác đấu tranh, triệt xóa các điểm, tụ điểm mại dâm, thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn cần tập trung thực hiện hiệu quả việc đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục theo chiều sâu. Theo đó, chú trọng đi vào từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm các ngành, đoàn thể, địa phương, từng gia đình và toàn xã hội trong việc phòng, chống tệ nạn mại dâm và giảm tác hại của tệ nạn mại dâm.
Ngoài ra, cần lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm để ngăn chặn, kiềm chế phát sinh mới về tệ nạn mại dâm. Tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội sau khi đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi bán dâm; tạo sự chuyển biến trong phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn mại dâm, bảo vệ môi trường lành mạnh về văn hóa, truyền thống dân tộc.
HƯƠNG SEN