Nhằm đánh giá kết quả thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT), từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm giai đoạn tiếp theo, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng phối hợp Sở Nội vụ tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học về kết quả thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT trên địa bàn thành phố.
Qua 1 năm triển khai mô hình chính quyền đô thị, các địa phương đã phát huy tính chủ động, đặc biệt thực hiện tốt Đề án Phân cấp, ủy quyền gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh (thứ ba, bên trái sang) kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: TRỌNG HUY |
Tháng 5-2022, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng khảo sát độc lập với 518 phiếu phát ra và 505 phiếu thu về. Việc khảo sát thông qua bảng hỏi dành cho hai nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; đại biểu HĐND thành phố, nguyên đại biểu HĐND quận, phường và người dân 6 quận trên địa bàn thành phố.
Khi được hỏi có biết thành phố Đà Nẵng đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT không, kết quả khảo sát ghi nhận 100% CBCCVC các cấp trả lời có; 80,3% người dân biết và 19,7% không biết. Kết quả khảo sát cho thấy 84,9% CBCCVC thành phố; 64,9% CBCCVC quận, 71,9% CBCC phường và 80,1% người dân đồng thuận với chủ trương thực hiện thí điểm tổ chức mô hình CQĐT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đánh giá về tác động của việc thí điểm mô hình CQĐT đến công tác chỉ đạo, điều hành của UBND quận, phường, 43,0% CBCCVC thành phố cho là tốt hơn, CBCCVC quận và phường lại đánh giá tốt hơn nhưng không đáng kể lần lượt tỷ lệ là 52,5% và 41,6%; có 51,0% người dân đánh giá tốt hơn nhưng không đáng kể.
Khi được hỏi về nguyên tắc hoạt động của UBND quận, phường (chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ) khi thí điểm tổ chức mô hình CQĐT, kết quả thu về cho thấy đa phần là các đánh giá hợp lý ở cả ba cấp của nhóm đối tượng khảo sát là CBCCVC với tỉ lệ từ 81%-92%.
Chế độ thủ trưởng là điểm mới của mô hình CQĐT đề cao trách nhiệm, phát huy năng lực, tinh thần chủ động của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường.
Mặc dù làm việc theo chế độ thủ trưởng nhưng hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND đều đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và sự giám sát của người dân nên vẫn duy trì được cơ chế kiểm soát quyền lực đối với cơ quan, chức danh này.
Sau một năm triển khai thí điểm thực hiện mô hình CQĐT tại Đà Nẵng, đội ngũ CBCCVC các cấp của thành phố đánh giá cao về việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT theo đề án của UBND thành phố so với trước đây. Tỷ lệ trả lời hợp lý của CBCCVC thành phố 93,1%, CBCCVC quận là 87,9% và cấp phường là 84,9%...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng Huỳnh Huy Hòa cho biết, căn cứ kết quả khảo sát và tổng hợp ý kiến góp ý của người dân, CBCCVC các cấp, nhóm nghiên cứu đề xuất, kiến nghị một số nội dung như cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ hơn về các nội dung và ý nghĩa của việc tổ chức CQĐT trên địa bàn thành phố; nghiên cứu các phương thức nhằm phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân; tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi một số quy định vướng mắc tại Nghị định 34/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định khung tiêu chuẩn các chức danh tại UBND quận/phường để có cơ sở bổ nhiệm.
Bên cạnh đó, cần ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT như tăng phụ cấp cho CBCCVC, có cơ chế thực hiện giám sát mạnh hơn; hoàn thiện chính sách, pháp luật về thí điểm mô hình CQĐT và có hướng dẫn cụ thể hơn khi thực hiện cơ chế tài chính là cấp dự toán khi thực hiện thí điểm mô hình CQĐT thay vì cấp ngân sách như trước đây; tiếp tục công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng CBCCVC, bổ sung đội ngũ cán bộ phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ địa phương, đơn vị; kiến nghị Chính phủ xem xét quyết định chính sách dành cho đối tượng là cán bộ phường nơi thí điểm mô hình CQĐT được áp dụng quy định tương tự về chế độ công vụ của công chức thuộc biên chế UBND quận, làm việc tại các phường theo Nghị định số 34/2021/NĐ-CP để bảo đảm thống nhất trong hệ thống chính trị ở phường bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả khi thực hiện các chính sách liên quan đến CQĐT.
TRỌNG HUY