ĐNO - Chiều 25-9, đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dẫn đầu đã kiểm tra thực tế công tác triển khai ứng phó bão Noru tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) thông tin với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bìa phải) tại buổi kiểm tra thực tế. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Thông tin tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, âu thuyền Thọ Quang là nơi nhiều ngư dân miền Trung chọn làm nơi neo đậu, tránh trú bão. Các đơn vị chức năng của thành phố đã tổ chức hướng dân, sắp xếp các tàu neo đậu an toàn.
Ngoài ra, để phòng tránh các sự cố cháy nổ, thành phố đã hoàn thành việc di dời các tàu chở dầu ra khỏi âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đến nơi neo đậu an toàn.
Thành phố cũng tập trung, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó với bão, trong đó, các địa phương đã có phương án và sẽ triển khai sơ tán nhân dân sống trong các nhà không bảo đảm an toàn, các vùng nguy hiểm, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở..., đến nơi an toàn và cung ứng lương thực, thực phẩm, các điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho người dân đến sơ tán.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với bão Noru, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (thứ 3, bên trái sang, hàng đầu), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái, hàng đầu) và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bìa phải) cùng đi kiểm tra công tác ứng phó bão ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
* Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về ứng phó với bão Noru chiều 25-9, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh, thành phố đã triển khai ngay, sớm, kịp thời công tác ứng phó với bão và cơ bản đã có hiệu quả bước đầu.
Các cấp chính quyền, lực lượng vũ trang, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện phương án phòng, chống thiên tai ứng với các kịch bản, tình huống thiên tai. Thành phố chủ động thông tin, tuyên truyền về diễn biến của bão và công tác ứng phó bão đến người dân, du khách.
Đồng thời kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào bờ và hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu thuyền ở âu thuyền, không có tàu thuyền của thành phố đang ở trong vùng biển nguy hiểm và không còn các hộ nuôi thủy sản lồng bè trên các sông, vịnh, biển;
Các địa phương, đơn vị khẩn trương hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, đưa thuyền, thúng nhỏ lên bờ...; kiểm tra an toàn các hồ, đập; cắt tỉa cây xanh; kiểm tra các công trình xây dựng, cần cẩu trục tháp, các khu vực xung yếu.
Căn cứ vào tình hình thực tế, thành phố đang khẩn trương triển khai các công việc tiếp theo để ứng phó với bão mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Cũng trong chiều 25-9, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thêm nhiều công việc ứng phó khẩn cấp với siêu bão.
Theo đó, Văn phòng UBND thành phố chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để thiết lập trung tâm chỉ huy ứng phó siêu bão.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tập trung cấp điện ưu tiên, chuẩn bị máy phát điện để bảo đảm cấp điện tại nhiều phụ tải quan trọng của thành phố, nhất là tại các bệnh viện, đài khí tượng...
Các đơn vị tăng cường công tác thông tin về dự báo, diễn biến của bão và tuyên truyền nhân dân không được chủ quan với bão.
Sở Xây dựng lưu ý công tác phòng chống bão ở các công trình cao tầng có tường bao kính lớn, chống ngập úng đô thị.
Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi tình hình, diễn biến của bão để chủ động cho học sinh nghỉ học.
Sở Công Thương chuẩn bị đủ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng nâng giá các loại hàng hóa thiết yếu và phòng chống bão.
Sở Du lịch trao đổi, thông tin với các khách sạn, cơ sở lưu trú hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho du khách ở lại thành phố trong những ngày xảy ra bão; căn cứ vào tình hình thực tế để thông báo cấm tắm biển nhằm bảo đảm an toàn...
Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thông tin, lưu ý với các doanh nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chú trọng phòng chống bão, bảo đảm an toàn cho nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kinh doanh...
Công an thành phố có phương án bảo đảm an ninh trật tự trong bão, nhất là triển khai chỉ đạo của UBND thành phố về cấm đường để bảo đảm an toàn cho nhân dân khi bão gây ảnh hưởng.
Các đơn vị quân đội kiểm tra lại lực lượng, phương tiện thường trực, để sẵn sàng cơ động theo đề nghị hỗ trợ của thành phố.
Các quận và huyện Hòa Vang khẩn trương rà soát lại các hộ dân cần sơ tán và địa điểm sơ tán sao cho bảo đảm an toàn với sức gió bão rất mạnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường huy động các lực lượng, phương tiện dọn vệ sinh, bảo đảm môi trường sau bão...
HOÀNG HIỆP