Cách đây 55 năm, xuất phát từ thực tiễn đấu tranh cách mạng ở Quảng Nam và Đà Nẵng, tháng 10-1967, Khu ủy Khu 5 quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà và phân công đồng chí Hồ Hữu Phước (Hồ Nghinh) giữ chức Bí thư đầu tiên của Đặc Khu ủy Quảng Đà.
Hiện vật trưng bày tại Khu di tích lịch sử Đặc Khu ủy Quảng Đà (căn cứ Hòn Tàu) thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: baoquangnam.vn |
Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm quý của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Đà, Bí thư Đặc Khu ủy Hồ Nghinh cùng với tập thể Đặc Khu ủy và Ban Thường vụ Đặc Khu ủy lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên một chiến trường gian khó, ác liệt vào bậc nhất của Khu 5 và của cả miền Nam.
Có thể nói, quyết định thành lập Đặc khu Quảng Đà là một quyết định hết sức đúng đắn, không phải nhằm giảm đầu mối đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Khu 5 (bởi sau hợp nhất thành đặc khu, thành phố Đà Nẵng được chia thành quận I, quận II và quận III, huyện Hòa Vang cũng được thành khu I, khu II và khu III), mà là để tập trung nguồn lực kháng chiến hiệu quả hơn ở một địa bàn trọng điểm là Đà Nẵng, nơi đang được xem là căn cứ quân sự lớn thứ nhì của miền Nam.
Tính đến khi Đặc khu Quảng Đà được hợp nhất với tỉnh Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng theo Quyết định số 119/QĐ ngày 4-10-1975 của Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Khu Trung Trung Bộ, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã có tròn 8 năm thực thi sứ mệnh lãnh đạo phong trào cách mạng của Đặc khu theo hướng tập trung nguồn lực kháng chiến hiệu quả hơn cho mặt trận Đà Nẵng - nơi có “cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó, cứ đêm đêm nức nở gọi ta về” như cách nói đầy hình ảnh của nhà thơ Lê Anh Xuân khi nghĩ về mặt trận Sài Gòn những năm đánh Mỹ, góp phần quyết định vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ngay sau khi được thành lập, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã tổ chức điều chuyển nhiều cán bộ, thanh niên từ các huyện vào tăng cường cho nội thành Đà Nẵng. Đặc Khu ủy Quảng Đà cũng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong việc lãnh đạo nhân dân tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; trong việc lãnh đạo đấu tranh giành đất giữ dân sau Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đầu năm 1973 và trong việc lãnh đạo lực lượng quần chúng khởi nghĩa, phối hợp với quân chủ lực giải phóng Đà Nẵng vào cuối tháng 3-1975…
Cũng chính vì hướng về mặt trận Đà Nẵng nên trong suốt những năm từ 1967 đến 1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà hết sức quan tâm đến hoạt động trí vận trong nội thành. Ngày 7-8-1969, Bí thư Đặc Khu ủy Hồ Nghinh ký ban hành chỉ thị của Ban Thường vụ Đặc Khu ủy (bí số C.50) về việc đẩy mạnh đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên ở Đà Nẵng và Hội An (tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, số 121-II), cho thấy sự nhạy bén của lãnh đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà khi chủ trương kết nối giữa phong trào đấu tranh của trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn Đặc khu với phong trào đấu tranh chung của trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên các thành thị miền Nam.
Năm 1970, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Đặc khu Quảng Đà đề nghị Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ trao tặng cho Trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng với mật danh Trường học Anh Dũng - Huân chương Giải phóng hạng Ba; năm 1972, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Đặc khu Quảng Đà phong tặng trường Trung học Bồ Đề Đà Nẵng danh hiệu Trường Trung học Quyết Thắng. Đáng chú ý là trong 8 năm lãnh đạo phong trào cách mạng của Đặc khu, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã quyết định thành lập Ban Cán sự Trí vận Đà Nẵng trực thuộc Đặc Khu ủy, hoạt động cả trong Viện Đại học Cộng đồng Quảng Đà mới khai giảng khóa đầu tiên năm 1974.
Năm 1997, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng lại được tách ra thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai địa phương cùng phát triển. Từ đó cả Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng luôn kế thừa và phát huy cách nghĩ, cách làm đầy sáng tạo và hiệu quả không chỉ của Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng trong hai thập niên đầu tiên sau thống nhất đất nước, mà còn của Đặc Khu ủy Quảng Đà trong gần một thập niên kể từ năm 1967 nhằm đúc rút bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, bảo đảm và nâng cao tiềm lực quốc phòng-an ninh cho hai địa phương anh em Quảng Nam và Đà Nẵng hôm nay.
Hằng năm và nhất là nhân kỷ niệm 50 năm và 55 năm thành lập Đặc khu Quảng Đà, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động về nguồn, thăm Khu di tích Đặc Khu ủy Quảng Đà ở căn cứ Hòn Tàu đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2012; tổ chức một số sinh hoạt học thuật nhằm trao đổi về những bài học trong lãnh đạo quản lý, chẳng hạn như hội thảo khoa học Vai trò Đặc Khu ủy Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà tổ chức vào cuối tháng 7-2017 và trên cơ sở các tham luận tại hội thảo đã biên soạn và xuất bản tập sách Đặc khu Quảng Đà trung dũng kiên cường (1967-1975); cũng như tổ chức các cuộc gặp mặt thăm hỏi các đồng chí trong Ban Liên lạc Đặc Khu ủy Quảng Đà, trong Ban Liên lạc truyền thống Mặt trận 44 Quảng Đà, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đặc Khu ủy và Đặc Khu ủy viên Quảng Đà qua các thời kỳ hiện còn sống tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam...
Để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại lời phát biểu đầy tâm huyết của một người trong cuộc, nhà giáo Nguyễn Đình An, nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà, trong hội thảo khoa học cuối tháng 7-2017 vừa đề cập ở trên: “Trong những ngày này, nghĩ về thời kỳ cực kỳ máu lửa đó, tôi nhớ khôn nguôi các đồng chí đã hy sinh trong quá trình chống Mỹ, cứu nước, Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà đã hy sinh tổn thất nhiều lắm… Làm sao kể hết, nhớ hết những hy sinh lớn lao của anh em chúng ta trong thời kỳ Đặc Khu ủy Quảng Đà. Tôi chỉ thầm cầu mong thế hệ con cháu mình sẽ không phải đi qua, sẽ không phải gánh vác những cuộc chiến tranh. Nhưng dù không được trải nghiệm, rèn luyện trong những thử thách của cuộc chiến tranh, những lớp trẻ sau này vẫn giữ, vẫn có ý chí, khí phách, ngọn lửa của thời kỳ Đặc Khu ủy Quảng Đà. Tôi tin rằng, có những giá trị ấy thì họ sẽ làm được những gì mà lịch sử giao phó, cũng như thế hệ thời Đặc Khu ủy Quảng Đà đã có được lời đáp sáng tạo cho những câu hỏi lớn của thời đại, nửa thế kỷ trước”. Và muốn phát huy tinh thần Đặc Khu ủy Quảng Đà, muốn cho “những lớp trẻ sau này vẫn giữ, vẫn có ý chí, khí phách, ngọn lửa của thời kỳ Đặc Khu ủy Quảng Đà” như tâm nguyện của nhà giáo Nguyễn Đình An, cần phải bắt đầu từ những tiết giáo dục địa phương trong trường phổ thông.
BÙI VĂN TIẾNG