Chủ động ứng phó bão số 6 và khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền Trung

.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, đảm bảo công tác phòng, thiên tai phát huy hiệu quả, nhiều văn bản chỉ đạo tập trung ứng phó bão, khắc phục hậu quả mưa lũ đã được ban hành kịp thời.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Thạch Hãn tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị tối 16/10. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Thạch Hãn tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị tối 16-10. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN

Cùng với đó, các địa phương đang khẩn trương theo dõi sát cơn bão để có hướng xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ của thiên tai.

Sẵn sàng ứng phó bão số 6

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 17-10, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương đã thông báo, kiểm đếm 59.719 tàu/270.561 ngư dân biết diễn biến của bão số 6.

Hiện có 12 tàu của Quảng Ngãi/107 ngư dân đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão số 6 trong 24-48 giờ tới. Các lực lượng chức năng đang tiếp tục kêu gọi, thông báo các tàu thuyền ở khu vực nguy hiểm vào tránh trú tại nơi an toàn.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 964/CĐ-TTg ngày 17-10 về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có Công điện số 34/CĐ-QG, ngày 16/10 chỉ đạo các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Khánh Hòa và các bộ, ngành triển khai ứng phó với bão số 6; văn bản số 84/QGPCTT, ngày 17-10 về tăng cường đảm bảo an toàn tàu thuyền ứng phó với bão số 6. Bộ Ngoại giao có Công hàm gửi các Đại sứ quán Trung Quốc và Philipines về tạo điều kiện cho tàu, thuyền được tránh, trú; Công điện gửi Đại sứ quán Trung Quốc và Philipines để phối hợp, trao đổi với cơ quan chức năng nước sở tại.

Cùng với đó, Bộ Công an có công điện chỉ đạo các đơn vị, lực lượng sẵn sàng ứng phó bão. Lực lượng Bộ đội Biên phòng dự kiến bắn pháo hiệu vào chiều tối 18-10.

Mưa lũ làm 8 người thiệt mạng

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 17 giờ ngày 17/10, mưa lũ tại khu vực Trung Bộ đã làm 8 người tử vong (Đà Nẵng 4 người, Quảng  Nam và Quảng Trị (mỗi địa phương 1 người), Thừa Thiên - Huế 2 người); 2 điểm sạt lở lớn gây tắc đường (Km32+200 quốc lộ 9C, tỉnh Quảng Bình, quốc lộ 15D đi Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị), hiện Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đang tổ chức khắc phục.

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết đinh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng hạ tầng giao thông do bão số 5 và các đợt mưa lũ.

Để tiếp tục ứng phó với bão số 6 và khắc phục hậu quả mưa lũ tại miền Trung, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 939/CĐ-TTg ngày 13-10-2022, Công điện số 964/CĐ-TTg ngày 17-10 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Trung Bộ, Công điện số 32/CĐ-QG ngày 12-10-2022 và số 34/CĐ-QG ngày 16-10-2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai trong đó tập trung vào việc khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm trên biển; rà soát phương án ứng phó với bão ven bờ, trên đất liền; tiếp tục cập nhật thường xuyên, liên tục các bản tin dự báo, cảnh báo về bão, mưa lũ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, đồng thời tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo tình hình với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Lực lượng chức năng cũng yêu cầu người dân thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão; gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; xác định ví trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng; dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày.

Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình (nơi an toàn nhất khi có bão là phòng bên trong không có cửa sổ). Chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bão về như: Chèn chống các cửa của nhà; loại bỏ những cây, cành bị chết, bị bệnh; xác định các vật dụng trong sân nên mang vào trong nhà; vệ sinh máng nước mưa, gầm cầu thang ngoài, đường thoát nước, đường ống thoát nước...

Các thành viên trong gia đình có thể bị chia cắt trong một cơn bão. Hãy chuẩn bị bằng cách lập một Kế hoạch liên lạc, tiếp cận với nhau. Thiết lập một liên hệ bên ngoài khu vực (chẳng hạn như người thân hoặc bạn bè trong gia đình), người có thể điều phối vị trí và thông tin của các thành viên gia đình nếu bạn tách ra. Người dân chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng)...

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.