Kiểm soát quyền lực trong phân cấp, phân quyền

.

Ngày 27-10, Học viện Chính trị khu vực III tổ chức hội thảo “Phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với địa phương và những vấn đề đặt ra đối với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hiện nay”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lê Văn Đính, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, cho biết trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương. Theo đó, phân cấp, phân quyền đã và đang được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trao quyền tự chủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho chính quyền và lợi thế của các địa phương; tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường tính công khai, minh bạch trong chỉ đạo, điều hành của từng cấp, ngành trong tổ chức thực hiện; thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phân cấp, phân quyền vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: các quy định của pháp luật chưa phân định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương ở một số lĩnh vực chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực; thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; phân cấp, phân quyền nhưng không kèm theo điều kiện bảo đảm; không được tăng cường tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được phân cấp;...

TS Nguyễn Thị Linh Giang, giảng viên Học viện Chính trị khu vực III, cho rằng Nghị quyết 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, bên cạnh việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Trung ương đã có ưu tiên cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thành phố trên các lĩnh vực quy hoạch đô thị, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, tổ chức bộ máy... Ví dụ, trong quản lý tài chính - ngân sách, đối chiếu với một số nội dung phân cấp, ủy quyền được quy định tại Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ về quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý cho thành phố có thể nhận thấy Nghị quyết số 119/2020/QH14 đã tiến hành phân cấp, ủy quyền sâu hơn, rộng hơn.

Đặt vấn đề kiểm soát quyền lực Nhà nước trong thực hiện phân cấp, phân quyền ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, TS Mai Thị Hồng Liên, giảng viên Học viện Chính trị khu vực III, cho rằng về thực trạng phân cấp, phân quyền ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, thời gian qua thực hiện thông qua sự phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện phân cấp, phân quyền khu vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập dẫn đến những sai phạm. Chính lẽ đó, cần phải đặt ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực Nhà nước trong phân cấp, phân quyền ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong thời gian tới.

T. HUY

;
;
.
.
.
.
.