Từ rạng sáng 10-10, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, trên địa bàn thành phố có mưa rất to, gây ngập úng cục bộ nhiều đoạn đường, khu vực dân cư trên địa bàn các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Lũ trên các sông cũng dâng lên rất nhanh, gây ngập nhiều nơi.
Lũ trên sông Túy Loan dâng cao, làm các hộ dân sinh sống ven sông lo lắng. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca, nhiều nơi trên địa bàn huyện có lượng mưa rất lớn, lên đến 300-350mm làm 49 thôn thuộc 8 xã gồm: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến bị ngập.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các điểm trường ở các vùng thấp lụt cho học sinh nghỉ học vào sáng 10-10 gồm: 10/19 trường mầm non, 15/19 trường tiểu học, 5/11 trường THCS, trong đó có 5 trường, điểm trường bị ngập lụt ở 2 xã Hòa Liên và Hòa Phong. Mưa lũ làm tràn bờ, ngập 47,3ha nuôi trồng thủy sản ở xã Hòa Phương; ngập 11ha rau, củ, quả ở xã Hòa Phong và Hòa Khương...
Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành thông tin, công ty đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống và ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tiến hành khơi thông thoát nước toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn quản lý và bố trí nhân lực ứng trực tại những vị trí xung yếu về thoát nước để kịp thời xử lý; triển khai khơi thông thoát nước tại các vị trí ngập úng cục bộ trên tuyến đường ĐT.605, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Diệu, Vân Đồn, Tôn Quang Phiệt, Trần Trọng Khiêm, Chương Dương, Nguyễn Hữu Thọ, Trần Đại Nghĩa, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa…
Công ty cũng vận hành các cửa phai của các hồ điều hòa, vận hành trạm bơm chống ngập Thuận Phước trong 253 phút, trạm bơm chống ngập cuối đường Ông Ích Khiêm trong 163 phút, trạm bơm thoát nước Đảo Xanh trong 117 phút... và lắp đặt máy bơm chống ngập tại tổ 63, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ Đà Nẵng, mưa lớn đã làm ngập úng cục bộ khu vực tổ 35, 36, 37 và 68, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) với độ sâu từ 30-70cm.
Phường đã triển khai lực lượng hỗ trợ người dân dọn, kê cao đồ đạc để tránh ngập. Mưa lớn cũng làm ngập nhiều khu vực, đoạn đường thuộc 4 phường của quận Cẩm Lệ, gồm: dọc tuyến mương Khe Cạn thuộc các tổ 11, 12, 13 và 14, phường Hòa An (ngập nhà nhiều hộ dân); ngập úng cục bộ tại các tổ 22, 47, 48, phường Hòa Phát; tổ 24 và khu vực đông nam cầu vượt Hòa Cầm cùng 5ha rau, màu ở vùng rau La Hường thuộc phường Hòa Thọ Đông; ngập lũ đoạn đường Thăng Long thuộc phường Hòa Thọ Tây. Đến chiều cùng ngày, nước đã rút.
Theo Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Lê Văn Tuyến, dù mưa rất lớn gây ngập úng cục bộ nhiều nơi nhưng các đơn vị, địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận thiệt hại về người.
Hiện các địa phương, đơn vị đang tiếp tục triển khai công ứng ứng phó với gió mùa đông bắc, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng theo Công điện số 07/CĐ-PCTT ngày 10-10-2022 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng. Theo đó, UBND các quận, huyện triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Sơn)…
Đồng thời, triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt; tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý; nghiêm cấm người dân và phương tiện không có nhiệm vụ phòng, chống thiên tai đi lại, đánh bắt thủy sản trên sông, vùng trũng thấp, ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn, rừng, núi và các khu vực có nguy cơ sạt lở; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sở Xây dựng phối hợp UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng đô thị, khơi thông cống rãnh thoát nước. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn các hồ chứa, đặc biệt lưu ý hai hồ chứa Hòa Trung và Đồng Nghệ; vận hành hồ chứa theo đúng quy trình và phương án phòng chống thiên tai đã được phê duyệt...
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, trong ngày 11-10, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi còn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) sẽ đạt đỉnh vào ngày 11-10 với mức 9,1m, cao hơn mức báo động 3 là 0,1m rồi rút chậm.
HOÀNG HIỆP
Nhiều diện tích nuôi cá nước ngọt tại Hòa Khương bị thiệt hại Theo ghi nhận của phóng viên, do thời tiết mưa lớn, nước dâng gây ngập lụt ở hầu hết các khu vực thuộc huyện Hòa Vang, nhiều người dân tại “thủ phủ” nuôi cá nước ngọt xã Hòa Khương tranh thủ vớt số cá còn lại trong các ao hồ. Tại tuyến đường vào thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương), nhiều khu vực nước dâng đến đầu gối. Một vài người dùng lưới để vớt cá, mở máy hút nước khỏi các ao nuôi. Tuy nhiên, số cá bị thất thoát nhiều, không còn lại bao nhiêu. Theo một số người dân, chỉ sau vài giờ buổi sáng bị ngập nước, toàn bộ số cá trong hồ bị thất thoát gây thiệt hại nặng cho người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp cho hay, mưa lớn khiến gần 47,3ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, khu nuôi cá tập trung Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 thiệt hại 14ha; khu vực Hố Đề thiệt hại 13,3ha; 2ha ở Phú Sơn Tây, khu Phước Sơn 3,2ha; khu Bàu Già 1,6ha, Phú Sơn Nam 3ha; khu vực Hố Mua 10,2ha… Giá rau, củ tăng do mưa bão VĂN HOÀNG - QUỲNH TRANG |