Mưa lớn những ngày qua khiến một số khu vực trên địa bàn thành phố bị ngập cục bộ. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, điều kiện sinh hoạt của nhân dân. Để giảm bớt thiệt hại, người dân tại các địa phương này chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó nếu tình trạng mưa lớn kéo dài.
Một người dân ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) dọn dẹp nhà cửa trong ngày 11-10. Ảnh: X.D |
Rạng sáng 10-10, ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên thành phố có mưa rất to, gây ngập úng cục bộ nhiều đoạn đường, khu vực dân cư tại các quận, huyện. Trong đó, quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại quận Liên Chiểu, mưa lớn làm ngập úng cục bộ khu vực tổ 35, 36, 37 và 68 (thuộc phường Hòa Khánh Nam) với độ sâu 30-70cm. Đến sáng 11-10, nước tại các khu vực này đã rút hoàn toàn và người dân đang tích cực dọn dẹp nhà cửa để tiếp tục sinh hoạt.
Ông Nguyễn Thiện Sinh, Tổ trưởng tổ dân phố 36, phường Hòa Khánh Nam cho biết, tổ có khoảng 100 hộ dân sinh sống, trong đó có gần 50 hộ bị nước ngập vào nhà trong ngày 10-10. Đây là khu vực chờ triển khai dự án nên nhà cửa không được sửa chữa. Hầu hết đều là nhà cấp 4 và nằm ở vùng trũng nên thường xuyên gặp phải tình trạng ngập nước nếu mưa lớn kéo dài.
Để ứng phó tình trạng ngập lụt này, gia đình ông cùng các hộ dân trong khu vực hầu hết đều thiết kế gác lửng bên trong nhà để cất đồ dùng sinh hoạt. Các đồ dụng nặng như tủ lạnh, máy giặt được gác lên cao, còn xe máy mang đi gửi tại các nhà dân ở vùng cao hơn. “Đối với những hộ có người cao tuổi, neo đơn, hàng xóm ở khu vực đến hỗ trợ nâng vật dụng sinh hoạt lên cao để tránh hư hỏng. Đồng thời, di tản những người này sang các nhà kiên cố để tránh trường hợp xấu xảy ra”, ông Sinh nói.
Tại khu vực huyện Hòa Vang, nhiều xã trên địa bàn cũng đối mặt tình trạng ngập úng như: Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Tiến, Hòa Châu… Theo UBND xã Hòa Liên, khu vực thôn Trường Định (thuộc xã Hòa Liên) bị ngập nặng nhất với gần 280/335 hộ bị nước ngập khoảng 1m. Đây cũng là khu vực thường xuyên bị ngập nước bởi nằm sát ven sông Cu Đê.
Tính từ đầu năm đến nay, khu vực thôn Trường Định bị lụt 3 lần. Anh Đỗ Trọng Tâm, người dân thôn Trường Định cho biết, riêng trong ngày 10-10, nước 2 lần ngập tại khu vực nhà anh với mức khoảng 1m, đến khoảng 23 giờ tối mới bắt đầu rút dần. Đến sáng nay (11-10), nước rút hoàn toàn nên các hộ dân đều tổng lực dọn, lau rửa nhà cửa để phục vụ sinh hoạt.
Tuy nhiên, qua theo dõi thời tiết, tình hình mưa có thể kéo dài nên gia đình vẫn ưu tiên bảo vệ những đồ dùng điện tử, giữ trên gác lửng của nhà và chưa vội di chuyển xuống.
“Người dân chúng tôi tại đây đều xác định sống chung với lũ. Do đó, gia đình ai cũng làm gác lửng để tránh nước và cất đồ đạc. Nếu trường hợp nước ngập quá sâu, chính quyền địa phương sẽ thông báo người dân di tản đến nhà phòng chống thiên tai của thôn để bảo vệ tính mạng. Chúng tôi chỉ lo nếu tiếp diễn sẽ gây ra dịch bệnh, nhất là cho trẻ em”, anh Tâm bày tỏ.
Tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), mỗi khi có mưa lớn, kéo dài, thôn Lộc Mỹ (thuộc xã Hòa Bắc) lại bị tình trạng ngập úng, chia cắt.
Ông Nguyễn Hữu Nhì, Bí thư Chi bộ thôn Lộc Mỹ cho biết, hiện nay, trên địa bàn có hơn 80 hộ dân đang sinh sống. Hằng năm, khi đến mùa mưa bão, thôn Lộc Mỹ thường xuyên chịu trình trạng ngập lụt nặng, dẫn đến chia cắt khu vực dân cư với tuyến đường chính dẫn vào trung tâm xã.
Rạng sáng 10-10, mưa lớn kéo dài, nước dâng rất nhanh khiến cho thôn Lộc Mỹ ngập sâu trong nước gần 1,5 mét. Sáng 11-10, mặc dù nước đã rút khỏi nhà, nhưng người dân vẫn không thể di chuyển ra khỏi địa bàn thôn, bởi vẫn còn dòng nước lớn đang chia cắt thôn Lộc Mỹ với tuyến đường chính ADB 5.
“Trước tình hình mưa lớn tiếp tục diễn biến khó lường trong thời gian tới, người dân địa phương thường xuyên nhận thông báo qua hệ thống loa truyền thanh của xã để liên tục cập nhật, nắm bắt thông tin. Bên cạnh đó, khi nước dâng quá cao, lực lượng chức năng xã cũng được huy động để đưa người già, trẻ nhỏ vào khu vực tránh, trú ngập lụt an toàn”, ông Nguyễn Hữu Nhì chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng, trước những diễn biến phức tạp tình hình mưa, lũ, ngập lụt trong thời gian tới, chính quyền địa phương đã chỉ đạo UBND các xã tăng cường nắm diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo cho người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương tăng cường lực lượng hỗ trợ người dân ở những vùng có nguy cơ ngập, lụt; kịp thời hỗ trợ, sơ tán người dân đến những khu vực an toàn trước những diễn biến xấu của thời tiết.
Đặc biệt, sau khi bão, lũ, ngập úng đi qua, các lực lượng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ để xử lý, tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người dân chịu ảnh hưởng; khắc phục sạt lở, cây cối ngã đổ trên các tuyến đường để bảo đảm giao thông đi lại trên địa bàn.
Lũ rút chậm, thủy điện vận hành bảo đảm an toàn cho hạ du Trong ngày 11-10, lũ trên sông Yên và Túy Loan rút chậm. Các thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã vận hành cắt, giảm lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du. Khi mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) còn cách báo động 3 chỉ 0,5m, từ chiều tối 10-10, 2 thủy điện A Vương và Sông Bung vận hành cắt đỉnh lũ cho hạ du, còn thủy điện Đak Mi 4 vận hành giảm lũ. Việc phối hợp liên hồ nói trên đã khống chế được mực nước lũ của sông Vu Gia khi đạt đỉnh vào lúc 2 giờ ngày 11-10 ở mức 8,99m, thấp hơn đúng 1cm so với báo động 3. Đến 16 giờ cùng ngày, cả 3 thủy điện A Vương, Sông Bung 4 và Đak Mi 4 vẫn đang vận hành cắt, giảm lũ, bảo đảm an toàn cho hạ du sông Vu Gia với tổng lưu lượng nước xả về hạ du hơn 400m3/s, trong khi tổng lưu lượng lũ đổ về 3 hồ thủy điện là hơn 1.100m3/s. Tuy nhiên, do nước mưa còn ứ đọng tại các khu vực, đồng ruộng ở hạ du rất nhiều do mưa quá lớn trong ngày 10-10 nên đến chiều 11-10, lũ trên sông Yên rút rất chậm và còn duy trì ở mức cao. Thậm chí lũ còn tiếp tục tràn vào nhánh sông phía thượng lưu đập dâng An Trạch và tràn qua, ngập nhiều đoạn đường, khu vực dân cư trên địa bàn các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Châu... thuộc huyện Hòa Vang. Lũ rút chậm làm khoảng 20 nhà dân ở khu vực thấp trũng của thôn La Bông, Lệ Sơn ở xã Hòa Tiến bị ngập lâu trong lũ. Lũ trên sông Túy Loan cũng rút rất chậm, tính từ trưa 10-10 đến 6 giờ sáng 11-10, mực nước lũ chỉ hạ thấp 0,6m (trong khi đó vào sáng 10-10, trong vòng 2 giờ, lũ trên sông Túy Loan dâng lên 0,6m). Đến trưa 11-10, tại vùng rau an toàn Túy Loan Tây (xã Hòa Phong), còn nhiều diện tích trồng rau vẫn đang ngập nước lũ sông Túy Loan. Những diện tích rau được khôi phục hoặc gieo trồng lại sau bão số 4 (bão Noru) bị héo, dập, úng... Đến chiều 11-10, do lũ trên sông Yên rút chậm nên mực nước sông Cẩm Lệ còn duy trì ở mức cao, ngập đoạn thấp trũng của đường Thăng Long và ngập nhiều diện tích trồng rau ở vùng rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, đến 17 giờ cùng ngày, thành phố chưa ghi nhận thiệt hại về người do mưa, lũ. Tại huyện Hòa Vang còn 13 thôn thuộc 4 xã bị ngập, trong đó, xã Hòa Tiến có các thôn Lệ Sơn 2, Lệ Sơn Nam, La Bông, Cẩm Nê, An Trạch; xã Hòa Khương có các thôn Phú Sơn 3, La Châu, Hương Lam... Thành phố có 16ha rau, củ, quả bị ngập úng, hư hại, trong đó huyện Hòa Vang có 11ha, quận Cẩm Lệ có 5ha. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lũ trên các sông ở Quảng Nam đang xuống. Trong ngày 12-10, lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn tiếp tục xuống. Từ ngày 13 đến 15-10, khu vực Trung Trung Bộ và phía bắc của Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. |
XUÂN DŨNG - NGỌC QUỐC