Nhiều băn khoăn về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp

.

Chiều 10-10, Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức cuộc họp với đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan để cho ý kiến về dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy. Ảnh tư liệu: Doãn Tấn/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo có 7 chương, 74 điều. Thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn chuyên môn với sự tham gia của đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, qua đó tiếp thu được nhiều ý kiến.

Theo tinh thần cầu thị, các cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, với những nội dung còn có vấn đề khác nhau, đã tập trung vào giải trình. Đến nay, dự thảo mới nhất có 6 chương, 92 điều. Để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức cuộc họp với đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, thảo luận về dự thảo Luật.

Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, nội dung có nhiều ý kiến đóng góp nhất liên quan đến việc tổ chức các Ban Thanh tra nhân dân. Hiện nay, Ban Thanh tra nhân dân được tổ chức ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, thực hiện đúng chủ trương của Đảng về tăng cường thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình cơ sở và đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở ngoài khu vực nhà nước, triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa tổ chức được tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, khắc phục những điểm còn hạn chế, hình thức hiện nay; nâng cao vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt là đảng viên..., trong dự thảo Luật đã cố gắng đưa các tư tưởng này vào.

Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, đây là một dự thảo luật khó. Việc xây dựng được dự thảo luật với 92 điều là nỗ lực lớn của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan phối hợp thực hiện. Dự thảo đã khắc phục được những hạn chế trước đây, như những nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” đã được thể hiện cụ thể trong các điều luật.

Về tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nên đổi tên để tránh nhầm với Thanh tra Chính phủ, bởi đây chỉ là tổ chức tự quản của người dân để thực hiện việc kiểm tra, giám sát của nhân dân hay của người lao động. Nhìn dưới góc độ cán bộ công đoàn, ông Phạm Văn Quân – Công đoàn Viên chức Việt Nam cho hay, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân giám sát là chính.

Theo bà Nguyễn Phương Thủy, đại biểu Quốc hội có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, Ban Thanh tra nhân dân chủ yếu phát huy kết quả tốt nhất là ở khu vực xã, phường, thị trấn, còn trong cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập hay doanh nghiệp nhà nước hoạt động rất hình thức, không rõ rệt. Có ý kiến đề nghị thu hẹp lại, chỉ thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn nhưng cũng có ý kiến cho rằng vẫn nên duy trì hình thức này, đặc biệt, đối với khu vực doanh nghiệp.

Bày tỏ lo ngại quy định Ban Thanh tra nhân dân ở tổ chức có sử dụng lao động có quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước có thể ảnh hưởng tác động tới doanh nghiệp, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, việc kiểm tra này có phạm vi rất rộng, có nguy cơ bị lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Dựa trên căn cứ đó, vị đại diện này cho rằng, cần cân nhắc quy định kiểm tra giám sát. Để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, nên dẫn chiếu sang Luật Công đoàn, không nhất thiết thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp.

“Hiện tại, hệ thống pháp luật quy định tổ chức Công đoàn đã bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong Công đoàn đã quy định chức năng, nhiệm vụ gần như bao phủ hết những gì Ban Thanh tra nhân dân làm. Người lao động có thể thông qua Công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình để kiểm tra, giám sát, hay cho ý kiến đối với những vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động”, vị đại diện này nói.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho hay, qua trao đổi với lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động thì tổ chức Công đoàn chủ yếu đại diện cho người lao động trong mối quan hệ lao động, không phải 100% doanh nghiệp đều có tổ chức Công đoàn, do đó vẫn nên có tổ chức Ban Thanh tra nhân dân trong doanh nghiệp, có sự hướng dẫn, chỉ đạo của Công đoàn. Việc quy định dân chủ trong doanh nghiệp là một việc khó, thực hiện được còn khó hơn, làm sao thực hiện được thực chất là một quá trình lâu dài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với phương án đang thể hiện trong dự thảo là thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, kể cả tổ chức có sử dụng lao động ở khu vực ngoài công lập.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, từ khi có dự thảo luật đến nay, Bộ Nội vụ đã nhiều lần trình về nội dung này và đến thời điểm này đa số ý kiến cho rằng phải quy định, nhưng làm sao thể hiện câu chữ, thể chế hóa đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. Ông cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật gia công thêm, có đánh giá tác động thêm và giải trình rõ hơn.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.