Nhờ phát huy vai trò giám sát một cách toàn diện, hiệu quả, sát với yêu cầu thực tế, HĐND huyện Hòa Vang đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm Nghị quyết HĐND huyện đi vào cuộc sống.
Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Hòa Vang làm việc với xã Hòa Nhơn về thực hiện hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. (Ảnh do HĐND huyện Hòa Vang cung cấp) |
Giám sát những vấn đề thực tiễn tại địa phương
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang Lê Đức Trí, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND và đại biểu HĐND huyện không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Nhờ đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát ngày càng được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Năm 2022, HĐND huyện giám sát chuyên đề về “Công tác thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện”. Thường trực HĐND huyện giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 130/NQ-HĐND ngày 28-12-2020 của HĐND huyện về kết quả giám sát chuyên đề công tác triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân trên địa bàn huyện năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020” (đã triển khai 4 cuộc giám sát tại 4 đơn vị) và về “Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021, năm 2022” (đã triển khai 6 cuộc giám sát tại 6 đơn vị). Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện tổ chức giám sát chuyên đề “Về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn huyện”, đã triển khai 4 cuộc giám sát tại 8 đơn vị. Đến nay, các đoàn giám sát đã, đang xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát.
Báo cáo kết quả giám sát công tác lập thủ tục đầu tư và tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản năm 2022 của Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Hòa Vang cho biết, qua giám sát, UBND huyện, các ngành liên quan đã tập trung chỉ đạo công tác giải ngân vốn, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản, công tác chuẩn bị đầu tư được quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng một số công trình đã được bố trí vốn từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư (123 công trình được bố trí vốn để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, nhưng chỉ mới 2 công trình hoàn thành thủ tục đầu tư). 6 tháng đầu năm, thời tiết thuận lợi, nhưng công tác thi công tại nhiều công trình diễn ra chậm do công tác chuẩn bị đầu tư chậm, tiến độ giải phóng mặt bằng không bảo đảm. Các công trình này chủ yếu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDAĐTXD) huyện điều hành (khảo sát 25 công trình do Ban QLDAĐTXD huyện điều hành thì có đến 19 công trình chưa triển khai thi công).
Từ kết quả giám sát, đoàn giám sát kiến nghị UBND huyện tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai thi công các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, bảo đảm kế hoạch đề ra. Đồng thời tổ chức hội nghị chuyên đề để tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư cũng như triển khai thi công các công trình bị chậm tiến độ, xác định rõ trách nhiệm của các ngành liên quan trong các khâu chuẩn bị…
Tháo gỡ vướng mắc, tạo sự chuyển biến
Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hòa Vang Nguyễn Tân cho biết, từ các kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát, UBND huyện đã ban hành 9 văn bản đôn đốc các đơn vị thực hiện các thủ tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công và giải ngân các nguồn vốn; ban hành 7 thông báo kết luận chỉ đạo liên quan công tác giải ngân vốn. UBND huyện đã ban hành Quy trình quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn huyện; trong đó nêu rõ tất cả các bước và thời gian cụ thể từng bước để thực hiện đầu tư, phân công chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các phòng ban của huyện trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Ngoài ra, UBND huyện thành lập 4 tổ công tác hỗ trợ thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân vốn các công trình trọng điểm của huyện năm 2022. Hằng tuần, UBND huyện họp giao ban nắm tiến độ triển khai thi công, giải ngân vốn, tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và những khó khăn, vướng mắc của từng công trình để có chỉ đạo kịp thời. UBND huyện tăng cường phân cấp mạnh cho UBND các xã điều hành các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình từ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Theo kết quả giám sát “Về công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS trên địa bàn huyện”, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS được UBND huyện và các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu cho từng giai đoạn, đề ra nhiều giải pháp thực hiện… Dẫu vậy, công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS vẫn gặp những khó khăn nhất định; việc thực hiện các mục tiêu theo từng giai đoạn còn thấp, chưa đạt yêu cầu; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang Lê Trung Thắng, đại biểu HĐND huyện Hòa Vang (khóa X), với việc chọn nội dung công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS để giám sát là rất sát thực với tình hình địa phương. Điều này thể hiện, nội dung giám sát chọn đúng, trúng vấn đề cử tri quan tâm, chọn đúng vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, đáp ứng sự phát triển của huyện và nguyện vọng của nhân dân. Qua khảo sát thực tế ở các xã, trong tổng số 751 em học sinh không thi đỗ vào cấp THPT, có 386 em không theo học nghề tại các trường nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên (hơn 51%). Các em chủ yếu học và làm nghề tự do. “Cái khó mà huyện đang tập trung kiến nghị lên cấp trên cùng với các giải pháp của huyện trong thẩm quyền để tháo gỡ đó là hiện trên địa bàn huyện thiếu trường nghề, thiếu trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo nghề, tạo điều kiện phân luồng cho học sinh không đậu vào THPT. Cần có thêm trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên mở trên địa bàn huyện, tập trung vào các vùng có đông học sinh, hướng đến phân luồng, hướng nghiệp có hiệu quả”, ông Thắng nói.
TRỌNG HUY