Xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực

.

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24-2-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa, ứng phó, góp phần xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Cán bộ các cấp hội tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho các địa chỉ tin cậy trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức. Ảnh: L.P
Cán bộ các cấp hội tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho các địa chỉ tin cậy trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức. Ảnh: L.P

Điểm đến an toàn

Sáng Chủ nhật đầu tháng 8-2022, chúng tôi có mặt tại “Địa chỉ thân thiện” trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, cùng tham gia buổi sinh hoạt CLB An toàn cho ngôi nhà bạn do Hội LHPN phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) tổ chức. Tại đây, hàng chục em học sinh được tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực đối với trẻ em trong tình hình hiện nay, kỹ năng tự bảo vệ mình, số điện thoại đường dây nóng bảo vệ trẻ em… Bên cạnh đó, các em còn vẽ tranh với chủ đề “Hãy chung tay bảo vệ trẻ em”. Qua tranh vẽ, các em gửi gắm những thông điệp: trẻ em cần được yêu thương, nói không với bạo lực và xâm hại trẻ em, chống bạo lực và xâm hại trẻ em,… thể hiện ý thức và mong muốn được sống, trưởng thành trong môi trường an toàn, không bạo lực.

Theo Chủ nhiệm CLB An toàn cho ngôi nhà bạn Nguyễn Thị Kim Dung, CLB không chỉ là nơi sinh hoạt, vui chơi lành mạnh cho phụ nữ, trẻ em mà còn là địa chỉ tin cậy để mọi người tìm đến chia sẻ, tâm sự, tìm hướng giải quyết khi gặp vấn đề trong cuộc sống.

Trước đó, đầu tháng 5-2022, Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) xây dựng mô hình chi hội “Nói không với bạo lực gia đình”. Theo đó, mỗi chi hội là một “Điểm đến an toàn” nhằm hỗ trợ, tư vấn, can thiệp cho phụ nữ và trẻ em gặp vấn đề bạo lực; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; quan tâm chăm lo cho phụ nữ và trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn, thân thiện. Đồng thời, đây cũng là nơi tiếp nhận, thu thập thông tin về các hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu Hồ Thị Huệ  cho biết, những điểm đến an toàn nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, hướng đến xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, các điểm đến sẽ là điểm tựa về pháp lý, tinh thần của nạn nhân bị bạo lực; phấn đấu 100% nạn nhân được hỗ trợ, can thiệp kịp thời và đối tượng gây ra bạo lực bị phát hiện, xử lý.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lương Thị Đạo, toàn thành phố hiện có gần 400 mô hình địa chỉ tin cậy đang hoạt động tại các phường, xã. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả từ mô hình địa chỉ tin cậy, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình; nhiều cặp vợ chồng đã hàn gắn, hòa thuận; nhiều vụ việc được hòa giải thành, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Nâng cao năng lực cho cán bộ hội

Là tổ chức đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Hội LHPN thành phố chú trọng tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ hội từ thành phố đến cơ sở về công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Trong khóa tập huấn nâng cao năng lực ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em tại quận Hải Châu mới đây, cán bộ hội được tìm hiểu rõ hơn về cách nhận diện các hình thức bạo lực trên cơ sở giới; quy trình phối hợp xử lý các vụ việc bạo lực; kỹ năng trợ giúp nạn nhân khi bị bạo lực,…  nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào thực tiễn.

Chủ tịch Hội LHPN phường Hải Châu 1 Nguyễn Thị Cúc cho biết, từ đầu năm đến nay, hội thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ các chi hội khu dân cư, trường học. Nội dung xoay quanh vai trò, trách nhiệm của các cấp hội trong công tác phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; nhận diện nguy cơ đối với phụ nữ, trẻ em và những yếu tố tác động đến phụ nữ, trẻ em; công tác phối hợp các lực lượng xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ,... Qua đó, nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm và năng lực phát hiện, xử lý cho đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện cho phụ nữ, trẻ em.

Bà Lương Thị Đạo cho biết, Hội LHPN thành phố vừa thành lập “Mạng lưới cán bộ tư vấn về phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em”. Mạng lưới gồm 48 thành viên, là cán bộ thuộc Đoàn Luật sư thành phố, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Bệnh viện Đà Nẵng, Công an thành phố, Trung tâm bảo trợ xã hội và trẻ em thành phố,... Nhiệm vụ của mạng lưới là tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ; tuyên truyền, tư vấn pháp luật, tư vấn sức khỏe tâm lý cho phụ nữ và trẻ em; giám sát và tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn phòng chống bạo lực, hướng tới xây dựng thành phố an toàn, không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.