Bảo vệ môi trường bằng hành động cụ thể

.

Thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố triển khai các mô hình thiết thực về bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố “xanh - sạch - đẹp”.

Mô hình “Mái nhà xanh-thu gom phế liệu và rác thải nhựa” tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Ảnh: T.P
Mô hình “Mái nhà xanh-thu gom phế liệu và rác thải nhựa” tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Ảnh: T.P

Với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, hình thành thói quen “sống xanh”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) phối hợp Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng triển khai mô hình “Ủ phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt”. Theo đó,  hội viên phụ nữ phường tận dụng rác thải hữu cơ để ủ phân bón từ cơm, rau, củ, quả hư hỏng, vỏ trái cây, bã cà phê, bã chè… Khi thực hiện đúng kỹ thuật ủ và xử lý bằng chế phẩm sinh học, sau hai tháng sẽ thu được một lượng phân bón cho cây trồng.

Chị Lê Thị Kim Xuyến, Chi hội Phụ nữ số 11 (phường Hòa Thọ Tây) chia sẻ: “Bản thân tôi là người làm vườn lâu năm, đợt vừa qua giá xăng biến động khiến giá phân bón tăng cao, thậm chí không có phân bón để phục vụ cho sản xuất. Khi học cách làm phân bón hữu cơ từ mô hình này giúp tôi tiết kiệm được chi phí mua phân bón, bên cạnh đó bảo vệ được môi trường”.

Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây Võ Thị Thùy Dương cho biết, mô hình này giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường, giảm rác thải, đồng thời tạo nguồn phân hữu cơ thường xuyên để bón cho các loại rau màu, nâng cao độ phì nhiêu của đất.

Tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), mô hình “Mái nhà xanh - thu gom phế liệu và rác thải nhựa” thực hiện hiệu quả. Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến Hồ Thị Lai cho biết, hiện nay 12 thôn trên địa bàn xã đã thực hiện mô hình. Các chi hội phụ nữ thôn tích cực phối hợp ban nhân dân thôn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải tại nguồn nhằm thu gom các loại rác thải tái chế như: vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn, bìa giấy... Rác tài nguyên được bán để gây quỹ giúp đỡ hội viên và trẻ em khó khăn.

Từ năm 2019 đến nay, 3 tháng/lần, chi hội phụ nữ tại các thôn đến nhà sinh hoạt cộng đồng thu gom, phân loại, đem bán để tạo nguồn kinh phí giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi thôn trích một phần vào Quỹ “Mẹ đỡ đầu” để nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi do các chi hội nhận đỡ đầu. Cùng với giảm rác thải nhựa, Hội LHPN xã Hòa Tiến còn triển khai mô hình “Trồng chuối lấy lá” tại các thôn như: Bắc An, Thạch Bồ, La Bông… Từ đó, hạn chế sử dụng bao nilon, thay vào đó sẽ dùng lá chuối để gói các thức ăn, góp phần giữ vệ sinh môi trường.

Tại phường Hải Châu 1, Đoàn thanh niên có 2 mô hình “Tái sử dụng - tái nạp đầy” và “Nhà thu gom - tái sử dụng túi nilon sạch đã qua sử dụng”. Với mô hình “Tái sử dụng - tái nạp đầy”, người tiêu dùng mang các loại rác thải tài nguyên như lon, chai nhựa, giấy… để đổi thành các túi vải, khẩu trang vải, dù hoặc sổ tay. Nhờ vậy, người dân hưởng ứng nhiệt tình, ai nấy phấn khởi tham gia mô hình, góp phần xây dựng thói quen cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường. Đoàn thanh niên phường phối hợp Chi đoàn thanh niên Công ty Quản lý và Phát triển các chợ tại Đà Nẵng thực hiện mô hình “Nhà thu gom - tái sử dụng túi nilon sạch đã qua sử dụng”.

Người dân mang những chiếc túi nilon đã làm sạch, khô ráo đến tủ thu gom tại UBND phường Hải Châu 1. Các đoàn viên phân loại theo các kích cỡ và đặt tại 4 tủ cung cấp túi nilon tái sử dụng ở chợ Hàn. Hai tủ treo tại hai cổng ra vào chợ từ đường Nguyễn Thái Học và Hùng Vương, hai tủ treo trong chợ tại tầng 1 và tầng 2; tiểu thương và khách hàng đến chợ có thể lấy sử dụng khi cần.

Từ những mô hình thiết thực của từng địa phương sẽ giúp thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa của giữ gìn môi trường sống trong lành, nêu cao trách nhiệm chung tay hướng đến xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”.

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.